Festival Nghề truyền thống Huế 2017 diễn ra đúng dịp kỉ niệm ngày đất nước hòa bình, thống nhất (30/4). Thông qua việc treo những chú chim bồ câu và cành ô liu bằng gốm của làng gốm Mỹ Thiện, BTC muốn thể hiện thông điệp “hòa bình luôn trú ngụ dưới bóng từ bi”.
Thông qua việc treo những chú chim bồ câu và cành ô liu bằng gốm của làng gốm Mỹ Thiện, BTC muốn thể hiện thông điệp “hòa bình luôn trú ngụ dưới bóng từ bi”
Ngày 28/4 tới đây, Festival Nghề truyền thống Huế 2017 sẽ chính thức diễn ra. Không khí chuẩn bị cho “lễ hội nghề” đang rất khẩn trương, dù cho thời tiết Huế mưa nắng thất thường. Những ngày này, đi trên đường của TP Huế, đâu đâu cũng nhìn thấy pano, băng rôn, phướn… chào mừng Festival Nghề.
Dọc đường Lê Lợi và Nguyễn Đình Chiểu, trời nắng chang chang nhưng êkip thi công sân khấu, cảnh trí và không gian trưng bày ai nấy mồ hôi mướt mải nhưng vẫn lao động hăng say.
Vào bảo tàng Văn Hóa Huế 23.25 Lê Lợi, một nhóm tình nguyện viên đang treo những con chim bồ câu và cành lá ô liu bằng gốm lên cành cây bồ đề, nhìn đẹp và hay quá nên tác giả bài viết lân la hỏi chuyện. Các bạn tình nguyện viên chỉ cho tôi đến hỏi người đàn ông đậm người, đầu trọc và có cái mặt hiền khô đang sửa từng sợi dây sát gốc cây kia.
Nhà sưu tầm đồ cồ Lâm Dũ Xênh đang sửa từng sợi dây
Nói chuyện thì mới biết anh chính là nhà sưu tầm đồ cồ Lâm Dũ Xênh, người nổi tiếng với câu nói: “Thà nghèo chứ không bán cổ vật”. Anh Xênh cho hay: “Xênh đưa cổ vật ra Huế để trưng bày trong dịp Festival Nghề Truyền Thống nhưng Xênh làm cái này vì đây là những sản phẩm gốm này của một nhóm nhà thiết kế (NTK) thời trang đã đến làng gốm Mỹ Thiện, Châu Ổ, Quảng Ngãi, quê Xênh để giúp anh Đặng Văn Trịnh chủ lò gốm, thực những mẫu mã và sản phẩm mới.
Gốm Mỹ Thiện là làng gốm hơn 200 năm tuổi, xưa kia cả làng khi nào cũng đỏ lửa và nhộn nhịp nhưng giờ chỉ còn 1 gia đình làm. Gia đình anh Trịnh bám đuổi nghề gốm cổ nhưng anh đuối quá rồi, Xênh với các NTK và Ban tổ chức Festival muốn tìm cách giúp anh ấy bám trụ. Gốm Mỹ Thiện tuy không nhiều mẫu mã nhưng bù lại là chất đất rất đanh và dai, vẫn sử dụng công nghệ men mộc, không có hóa chất, đẹp bình dị. Những việc này đáng lẽ là của anh Trịnh nhưng vì anh Trịnh yếu quá nên Xênh làm dùm” (cười hiền).
Tôi hỏi về những con chim, cành ô liu thì anh Xênh nói: “Khi các NTK đến Mỹ Thiện để làm gốm, ngoài việc giúp mọi người nhận thấy “gốm không chỉ làm chén bát, chum chóe” mà còn làm được nhiều thứ ứng dụng cho đời sống, nghệ thuật khác nhau.
Những cánh chim câu và cành ô liu là biểu tượng của hòa bình, chính vì thế, Festival Nghề truyền thống Huế 2017 cũng diễn ra đúng dịp kỉ niệm ngày đất nước hòa bình, thống nhất (30/4). Người dân làng gốm Mỹ Thiện mang chim bồ câu và cành ô liu bằng gốm về đây để treo dưới tán cây bồ đề. Ngoài việc quảng bá sản phẩm của làng nghề ra thì Xênh, anh Trịnh, các NTK, Ban tổ chức, thực hiện việc này với thông điệp “hòa bình luôn trú ngụ dưới bóng từ bi”.
Sau một hồi trò chuyện với anh Xênh thì tôi hiểu hơn ý nghĩa của việc tổ chức Festival Nghề truyền thống của Huế, hiểu hơn giá trị của hòa bình, hiểu hơn về những khó khăn của những người giữ lửa cho nghề truyền thống và hiểu thế nào gọi là “đam mê nghề”.
Theo Nguyễn Nhung - Dân trí