Được sự quan tâm của Trung tâm Hỗ trợ sáng tạo VHNT – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2017 của BCH Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế; Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Nhà sáng tác Vũng Tàu tổ chức Trại sáng tác VHNT năm 2017 tại thành phố biển Vũng Tàu (từ 13/4 đến ngày 27/4/2017).
Vũng Tàu là một trong những điểm đến yêu thích của du khách phía Nam. Bên cạnh những giá trị cảnh quan thiên nhiên, Vũng Tàu còn là miền đất có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời. Những ngày ở đây, các văn nghệ sĩ đã được khám phá, trải nghiệm thú vị với một bãi biển tuyệt vời bên cung đường Thùy Vân xinh đẹp của thành phố. Mọi người cũng đã ghé thăm những danh thắng nổi tiếng như: ngôi chùa Thích Ca Phật Đài nằm trên sườn núi Lớn của thành phố Vũng Tàu, tượng Đức Chúa dang tay đứng trên đỉnh Núi Nhỏ của thành phố được xây từ năm 1974, tòa Bạch Dinh được xây dựng từ năm 1898, thăm Linh Sơn Cổ Tự, khu du lịch Hồ Mây hay ngọn Hải đăng Vũng Tàu. Từ ngọn Hải đăng, mọi người có thể thu vào tầm mắt cả thành phố Vũng Tàu ẩn hiện trong sương, các bãi tắm hình lưỡi liềm, núi Minh Đạm xanh ngát. Hay thử nhìn xuống ngay bên dưới để cảm nhận cả rừng hoa sứ rực sáng…
Họa sĩ Lê Văn Nhường - Trại trưởng - đọc báo cáo tổng kết trại sáng tác |
Những cảnh đẹp, những danh thắng nổi tiếng là một hành trình đầy thú vị để các văn nghệ sĩ khám phá và thể hiện cảm xúc của mình. Và sau gần 2 tuần thâm nhập thực tế và sáng tác, 15 văn nghệ sĩ thuộc 4 hội chuyên ngành thành viên là Âm Nhạc, Nhà văn, Mỹ thuật và Sân khấu đã cho ra mắt 55 tác phẩm, trong đó âm nhạc có 11 ca khúc, sân khấu có 04 kịch bản, hội họa có 06 tác phẩm, văn học có 34 tác phẩm thuộc nhiều thể loại như: thơ, truyện, ký, lời mới ca Huế…
Nhà thơ Võ Quê trình bày một sáng tác mới về ca Huế |
Hầu hết các tác phẩm ra đời trong trại sáng tác lần này đều thể hiện rõ nét cảm xúc của các văn nghệ sĩ khi được sống thực tế, sinh hoạt trong lòng thành phố biển Vũng Tàu. Những góc nhìn mới lạ, những hình ảnh đất và người Vũng Tàu hiện lên trong từng câu chữ, tứ thơ, bức họa, của những văn nghệ sĩ đến từ Huế. Vừa mang vẻ chân thật, lắng đọng vừa bao trùm nét phóng khoáng, hồn hậu của người dân xứ biển, có thể kể đến các tác phẩm như: Nuôi biển, Thanh âm của biển, Ngẫu hứng Vũng Tàu (Thơ của Nguyên Quân), Bởi trăng nên biển nồng nàn, Biển hát lời hẹn ước, Đêm Vũng Tàu không ngủ (Thơ – Từ Nguyễn), Biển (Thơ – Lãng Hiển Xuân), Vũng Tàu chiều biển hát, Nỗi niềm biển, Tình yêu ( Ca khúc - Nguyễn Việt), Biển đêm trăng, Mênh mông tôi, Bà Rịa – Vũng Tàu chắp cánh bay xa (Ca khúc – Minh Tiến), Xóm chài, Phố (Tranh – Nguyễn Đăng Sơn), Nắng phương Nam, Đất mới (Tranh – Lê Văn Nhường), Màu hoa thương nhớ 1 và 2 (Tranh – Phạm Thị Tuyết). Bên cạnh đó, thời gian ở trại sáng tác cũng đã giúp các văn nghệ sĩ Hội Sân kháu là Phan Dy, Ngô Sinh và Tất Đính hoàn thành 04 kịch bản sân khấu hết sức đầy đặn của mình.
Nhạc sĩ Nguyễn Việt đang trình bày ca khúc của mình sáng tác với sự đệm đàn của nhạc sĩ Lê Phùng |
Có thể nói, bằng những cảm xúc và rung cảm riêng, các văn nghệ sĩ đã chuyển tải thành công hình ảnh vùng đất và con người Vũng Tàu đến với công chúng.
Trong khuôn khổ bài viết ngắn này không thể kể hết được toàn bộ những sáng tác của các văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế trong những ngày ở Vũng Tàu. 15 ngày không phải là dài nhưng cũng không hẳn là ngắn cho một cuộc hành trình khám phá, tìm kiếm sự thăng hoa của những tâm hồn luôn hướng về cái đẹp. Tin chắc rằng với những ngày hết sức ý nghĩa ở thành phố biển này sẽ là nguồn cảm xúc vô tận để các văn nghệ sĩ sẽ tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm hay sau khi đã trở lại quê nhà.
Văn nghệ Huế