Ngày 12/5/2017, tại Phu Văn Lâu - Kỳ Đài Huế, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế, Báo Tuổi Trẻ đã tổ chức lễ tiếp nhận đất thiêng cố đô Huế gửi ra Trường Sa.
Đại diện Lãnh đạo của 3 đơn vị: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế và Báo Tuổi Trẻ tại lễ tiếp nhận
Cùng với đất thiêng tiếp nhận từ cả ba miền của Tổ quốc, đất được tiếp nhận tại 05 địa điểm di sản Huế: từ Hoàng Thành Huế - trung tâm chính trị của triều Nguyễn; từ Đàn Nam Giao - nơi tổ chức lễ tế cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; từ Đàn Xã Tắc - biểu trưng của đất đai cả nước, nơi tổ chức lễ tế cầu mong mùa màng tươi tốt, nhân dân no ấm; từ Văn Miếu - nơi vinh danh hiền tài dân tộc; từ Võ Miếu - nơi vinh danh các võ tướng và tiến sĩ võ dưới thời Nguyễn. Đất tiếp nhận từ cả năm khu di sản này mang ý nghĩa đại diện cho tâm linh của hồn thiêng văn hiến. Ý nghĩa đó sẽ hòa quyện để tiếp tục khẳng định chủ quyền non sông, tiếp thêm tiềm lực tinh thần trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc của Việt Nam.
Được biết, cùng với Cố đô Huế, chương trình còn tiếp nhận đất thiêng tại Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang - điểm địa đầu cực Bắc Tổ Quốc; Điện Biên Phủ - chiến thắng lịch sử; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hà Nội, trái tim của cả nước; đường Hồ Chí Minh tại Nghĩa trang Trường Sơn - Quảng Trị; đất thép Củ Chi - TP.HCM; và đất mũi Cà Mau (cực Nam Tổ Quốc). Hoạt động này mang ý nghĩa như là một sự khẳng định chủ quyền non sông liền một dải từ đất liền ra biển đảo, khẳng định mong muốn về một vùng biển hòa bình, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho chiến sĩ, đồng bào đang ngày đêm bảo vệ hòa bình và khẳng định chủ quyền biển đảo.
Theo Phước Hải - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế