Huế 24h
Tổng kết đợt thâm nhập thực tế, sáng tác về chủ đề biển đảo tại các tỉnh miền Tây Nam bộ năm 2017
16:16 | 20/06/2017

Chiều 20/06, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã tổ chức buổi tổng kết đợt thâm nhập thực tế, sáng tác về chủ đề biển đảo tại các tỉnh miền Tây Nam bộ năm 2017.

Tổng kết đợt thâm nhập thực tế, sáng tác về chủ đề biển đảo tại các tỉnh miền Tây Nam bộ năm 2017
Nhạc sĩ Lê Phùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế - đánh giá về chuyến thâm nhập thực tế

Vừa qua, từ ngày 27/5 đến ngày 05/6/2017, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã tổ chức chuyến thâm nhập thực tế sáng tác, giao lưu và trao đổi về chủ đề biển, đảo tại các tỉnh miền Tây Nam bộ với sự tham gia của 12 văn nghệ sĩ thuộc 04 Hội chuyên ngành thành viên là Âm nhạc, Nhà văn, Nhiếp ảnh và Mỹ thuật.


Toàn cảnh buổi tổng kết

Hội Âm nhạc có các nhạc sĩ Nguyễn Việt, Trầm Tích, Lê Văn Đình; Hội Mỹ thuật có các họa sĩ Đặng Mậu Triết, Nguyễn Đình Dàng, Nguyễn Hoàng Trang; Hội Nhà văn có nhà nghiên cứu, lý luận phê bình Phạm Phú Phong, nhà thơ Lê Vĩnh Thái; Hội Nhiếp ảnh có NSNA Võ Đông Bảy, Nguyễn Hữu Đính; Nguyễn Phúc Xuân Lê và Đặng Văn Trân.


Nhà văn Thái Cẩm Thủy - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế - trình bày báo cáo tổng kết chuyến thâm nhập thực tế

Trong thời gian thâm nhập thực tế sáng tác, từ 27/5 đến ngày 05/6/2017, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã đưa các văn nghệ sỹ đi thâm nhập thực tế thực tế tại các tỉnh như Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre..., đã được khám phá đời sống hết sức phong phú của những cư dân miền Tây chân chất, nồng hậu, mến khách, đã hiểu thêm nhiều về những nét văn hóa đặc trưng của một vùng sông nước, biển đảo gắn liền với sự hình thành nên một quần thể văn hóa đặc trưng nổi tiếng của đất nước chúng ta, cũng như gắn liền quá trình mở cõi và bảo vệ chủ quyền quốc gia trải qua xuyên suốt hàng mấy trăm năm. Với bài học lịch sử của các bậc tiền nhân để lại, và các thế hệ hôm nay luôn tiếp tục bảo vệ và gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, từ đó các văn nghệ sỹ  đã hiểu thêm và đưa vào tác phẩm của mình qua đợt thâm nhập thực tế sáng tác.

 
Nhạc sĩ Nguyễn Việt phát biểu tại buổi tổng kết

Ngoài các buổi thâm nhập thực tế, đoàn đã có các  buổi  giao lưu, trao đổi với văn nghệ sĩ các Hội VHNT Kiên Giang và Bến Tre. Đoàn cũng đã đi tìm hiểu, khám phá các điểm di tích, thắng cảnh, các di tích văn hóa, đời sống của bà con như:  đi thăm khu Di tích Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, ở ngay trong TP Cao Lãnh( Đồng Tháp), người đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, thăm đảo Hải Tặc ( nơi có mốc chủ quyền quốc gia) ở thị xã Hà Tiên ( tỉnh Kiên Giang) và tìm hiểu đời sống bà con làng biển, ghé ngôi làng dưới chân Thạch Động có bia căm thù tưởng niệm 130 người đã bị bọn diệt chủng Pôn Pốt tàn sát vào ngày 14.03.1978 tại xã Mỹ Đức ( Hà Tiên), thăm Lăng cụ Nguyễn Đình Chiểu, thăm các ngôi chùa nổi tiếng ở Sóc Trăng, các làng nghề truyền thống nổi tiếng của tỉnh Bến Tre và tìm hiểu lịch sử hình thành nên vùng đất này.

Trong thời gian 10 ngày, qua các chuyến thâm nhập thực tế, các các văn nghệ   sỹ  đã phản ảnh chân thực về đời sống - văn hóa, về con người và vùng đất miền Tây Nam Bộ với những góc nhìn mới đầy những cảm xúc hết sức mới mẻ và sâu sắc. Với những bài viết, những câu nhạc, nét chấm phá trên những gam màu và những khoảng khắc về những nét văn hóa đặc trưng, về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cùng tâm tư vui buồn của bà con ngư dân ... đó là tất cả những gì các văn nghệ  sỹ  đã gửi vào tác phẩm của mình trong đợt thâm nhập thực tế sáng tác lần này, với kết quả đã gặt hái được có 05 bài thơ, 03 bài nghiên cứu, 07 tác phẩm mỹ thuật, 6 ca khúc và 48 tác phẩm nhiếp ảnh, gồm:

Về thơ: có các tác phẩm Mấy mùa hoa, Đưa em về Huế, Đêm cuối, Đồi chiều, Nghĩ về những mùa không của nhà thơ Lê Vĩnh Thái.

Về nghiên cứu:An Hà báo – tờ báo quốc ngữ đầu tiên của miền Tây Nam bộ,  Tiểu thuyết đầu tiên là tiểu thuyết in báo, Giọng điệu văn chương Sơn Nam của nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong.  

Về Mỹ thuật: có các tác phẩm Sông nước miền Tây, Bình yên trên đảo Hải tặc, Nắng qua Bình Thuận, Chiều Lăng Cô của Đặng Mậu Triết; Rừng cò, Huyền thoại biển Đông của Nguyễn Đình Dàng, Câu chuyện dưới đại dương của Nguyễn Hoàng Trang.

Về âm nhạc: có các ca khúc: Về miền Tây 1 và 2, Tìm em mùa điên điển của Trầm Tích; Biển hoàng hôn, Đảo Sơn ca của Lê Văn Đình; Đẹp lắm Kiên giang mình của Nguyễn Việt.

Về Nhiếp ảnh: có thể kể đến: Nguyễn Hữu Đính với 16 tác phẩm, Đặng Văn Trân 14 tác phẩm, Võ Đông Bảy 10 tác phẩm và Nguyễn Phúc Xuân Lê

8 tác phẩm. Các tác phẩm của các tác giả đều đã thể hiện được nét đẹp sông nước và con người miền Tây, của những làng nghề nổi tiếng của đất nước.

Chắc chắn những hình ảnh tại các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, hình ảnh bà con ngư dân các vùng ven biển từng ngày bám biển, từng ngày chống chọi với thiên tai bão tố nơi các văn nghệ sỹ ở, đi qua… đó sẽ là chất liệu quý để các văn nghệ sỹ  hình thành nhiều tác phẩm hay hơn, dài hơi hơn về vùng đất, về đời sống, văn hóa của con người, biển đảo và quê hương miền Tây Nam bộ trong tương lai.

Một số hình ảnh tại buổi tổng kết:


Nhạc sĩ Trầm Tích trình bày ca khúc "Về miền Tây"


Ca sĩ Khánh Hòa trình bày ca khúc "
Đẹp lắm Kiên giang mình" của nhạc sĩ Nguyễn Việt


Nhà thơ Lê Vĩnh Thái trình bày hai tác phẩm thơ "Mấy mùa hoa" và "Đưa em về Huế"

 

 

 

Văn nghệ Huế

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng