Cùng với các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), sáng nay 26/7/2017, tại thành phố Huế, mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trường Đại học Sư phạm Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đền ơn đáp nghĩa - Giá trị lý luận và thực tiễn”. Cùng dự và chủ trì buổi hội thảo có Tiến sĩ Phan Tiến Dũng - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Thạc sĩ Phan Minh Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Lao động TB&XH, PGS.TS Nguyễn Đình Luyện - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế, Thạc sĩ Lê Thùy Chi - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, Tiến sĩ Vũ Đình Bảy - Trưởng Khoa GDCT - Trường ĐHSP Huế.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ngày 27 tháng 7 là một ngày kỷ niệm. Mỗi năm đến ngày ấy, thì những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình tử sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp một phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc”. Trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Đó là tình cảm yêu thương chân thành, sự cảm thông, chia sẻ với những mất mát đau thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; nhắc nhở chúng ta phải giữ gìn và phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Đại biểu tham dự Hội thảo tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu
Trong suốt 70 năm, thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng và chính quyền các cấp luôn xem việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công là đạo lý và trách nhiệm của toàn xã hội. Hội thảo hôm nay một lần nữa giúp chúng ta nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được, xác định rõ trách nhiệm và hành động thiết thực của các cấp, các ngành trong thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Đồng thời đây cũng là dịp để mọi người cùng thảo luận và nhân rộng các cách làm hay, hiệu quả, để công tác này ngày càng đi vào chiều sâu, khẳng định sự nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh và tình cảm thiêng liêng của của Người dành cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.