Huế 24h
Thừa Thiên-Huế: Triển khai thực hiện Quy hoạch khảo cổ đến năm 2020
14:43 | 08/08/2017
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch khảo cổ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn.
 
Thừa Thiên-Huế: Triển khai thực hiện Quy hoạch khảo cổ đến năm 2020
Ảnh minh họa. Nguồn: vi.wikipedia.org
Theo đó, trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch bố trí nguồn vốn và huy động xã hội hóa để đầu tư cho các công trình, địa điểm khảo cổ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo đúng tiến độ phân kỳ đã đề ra; Hoàn thành việc đánh dấu vị trí các điểm khảo cổ trên bản đồ GIS Hue; Khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc di tích, di chỉ khảo cổ; Khai quật và thu hồi hiện vật di tích, di chỉ khảo cổ; Nghiên cứu, xác định giá trị của di tích, di chỉ khảo cổ và lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích (nếu đảm bảo các tiêu chí theo quy định); Số hóa các tư liệu, dữ liệu của di tích, di chỉ khảo cổ; Tu bổ, tôn tạo di tích, di chỉ khảo cổ cần được bảo vệ khẩn cấp.
 
Giai đoạn 2021-2030 tiếp tục khai quật và thu hồi hiện vật di tích, di chỉ khảo cổ; Tu bổ, tôn tạo di tích, di chỉ khảo cổ; Xây dựng kế hoạch bảo quản hiện vật khảo cổ theo nguyên tắc bảo tàng; Quy hoạch phát huy giá trị di tích, di chỉ khảo cổ gắn với phát triển du lịch bền vững.
 
Riêng đối với các di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và gắn liền với vương triều nhà Nguyễn sẽ tổ chức triển khai thực hiện theo Quyết định số 818/QĐ-TTg ngày 07/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh Đề án quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị Di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số  1880/QĐ-TTg ngày 12/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Cố đô Huế.
 
Để thực hiện các nhiệm vụ, Kế hoạch đưa ra 07 nhóm giải pháp bao gồm: Đảm bảo nguồn kinh phí cho việc đầu tư theo Quy hoạch trên cơ sở xây dựng kế hoạch kinh phí và phân kỳ đầu tư hàng năm cho các hoạt động khảo cổ theo nội dung nhiệm vụ cụ thể; Xác định hiện trạng và phân loại theo mức độ, tính chất, giá trị gắn liền với các công trình, địa điểm khảo cổ để đề xuất phương án nghiên cứu, bảo tồn và phát huy phù hợp; Nghiên cứu lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích khảo cổ đối với các công trình, địa điểm đảm bảo đầy đủ tiêu chí theo quy định hiện hành, lập hồ sơ tu bổ, tôn tạo và phục hồi các công trình, địa điểm khảo cổ; Xây dựng kế hoạch bảo vệ các di tích, công trình khảo cổ trước những yếu tố ảnh hưởng về sức ép phát triển, môi trường, xã hội có khả năng làm ảnh hưởng đến các yếu tố gắn liền với các công trình, địa điểm khảo cổ; Bổ sung, góp phần hoàn thiện và số hóa thông tin, dữ liệu lịch sử liên quan đến các công trình, địa điểm khảo cổ; Tổ chức các chương trình tập huấn về các nội dung của Quy hoạch khảo cổ; Giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá và phát huy giá trị của các di tích, công trình khảo cổ phục vụ phát triển các sản phẩm du lịch, tăng cường hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và huy động, tranh thủ mọi nguồn lực để thực hiện triển khai các hoạt động khảo cổ trên địa bàn tỉnh.
 
 
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng