Lễ hội Moot Đoong, hay còn gọi là Lễ hội mừng nhà mới là một lễ hội lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số như Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hi, huyện A Lưới được tổ chức sau khi gia đình, dòng họ dựng xong ngôi nhà mới, với các nghi lễ mang đậm nét đặc trưng riêng của từng dân tộc.
Lễ hội được tổ chức nhằm tạ ơn các vị Giàng, và anh em, bạn bè, buôn làng đã góp công sức, của cải của mình để giúp đỡ gia chủ dựng xong ngôi nhà mới khang trang đẹp đẽ, đồng thời cầu mong các vị Giàng che chở cho ngôi nhà được bền lâu, gia đình mạnh khỏe, con cháu sinh ra được trưởng thành, làm ăn gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu…
Mâm lễ vật dùng làm lễ cúng mừng nhà mới
Trước khi tổ chức lễ hội mừng nhà mới chính thức, chủ nhà sẽ tiến hành các bước nghi lễ: Tế sống vật tế; Axa Arah - Lễ tẩy rửa, xin vào ở nhà mới và Cha Pannee’ch abo’h - Cầu phúc, tạo lửa cho nhà mới. Đây là phần nghi lễ hết sức quan trọng trong nghi thức vào nhà mới, vừa xua đuổi tà ma, những cái xấu, cái bẩn ra ngoài, đồng thời cầu cho những cái tốt lành, của cải đầy nhà; Cầu cho bếp lửa luôn được giữ đỏ, gia đình được no đủ, sung túc.
Mở đầu là nghi lễ chính thức đầu tiên và quan trọng nhất của lễ hội Moot Đoong truyền thống của các dân tộc thiểu số huyện A Lưới đó là nghi lễ Tâl lo’k doong (Khánh thành nhà). Theo quan niệm của người Cơ Tu, vào ngày mùa trăng lên cao, sau rằm khoảng 03 ngày là thời điểm đẹp nhất để tổ chức lễ. Lễ hội mừng nhà mới là ngày vui của gia đình, dòng họ, cả buôn làng, thông gia và thợ thầy cho nên sẽ được tổ chức linh đình trong vòng 03 ngày 2 đêm. Người Cơ Tu cũng quan niệm rằng buổi sáng là dương, là thể hiện cho sự sinh sôi phát triển của vạn vật cho nên mỗi ngày lễ hội luôn được bắt đầu vào buổi sáng sớm ngày hôm nay và kết thúc vào rạng sáng ngày hôm sau.
Ông Nguyễn Hoài Nam (vai già làng) cùng vợ và các con làm lễ cúng
Lễ vật tế cho ngày lễ hội chính để tế gồm; 01 con dê, 02 con lợn to, 02 con gà trống, xôi, cá. Chủ nhà (hoặc) thầy cúng do chủ nhà nhờ là người đứng lễ, trong các phần cúng chủ yếu là nam giới tham gia. Khi mọi vật cúng đã chuẩn bị xong thì dọn ra giữa nhà, nơi có cũi thờ Giàng (Giàng nhà cửa).
Sau khi cúng xong, chỉ chủ lễ và người già mới được ăn các lễ vật cúng, vì thế tùy thuộc vào số người tham gia cúng để dọn đồ cúng, ăn không hết thì chủ nhà cất để ăn vào các bữa sau đó.
Ông Nguyễn Hoài Nam (vai già làng) làm lễ cúng (vật cúng đã được chế biến sẵn, dọn ra giữa nhà, nơi có cũi thờ Giàng, các lễ vật được đặt trong 03 mâm, gồm 01 mâm cho các vị Giàng trời đất che chở, 01 mâm cho Giàng nhà cửa, 01 mâm cho Tổ tiên do già làng thực hiện). Vợ già làng bà Thanh Xuân và các con cái hỗ trợ công tác cúng bái, đón tiếp khách.
Tiếp đến là các nghi lễ Par choo pa nor - Lễ cảm ơn thợ và những người góp công làm giúp nhà mới; Lễ Pa nor ta ving đoong - Thợ cầu phúc cho chủ nhà; Lễ Pan jưt, carlơiq palư đoong - Lễ ăn mừng nhà mới; lễ Pachoo tâm mooi - Tiễn khách và cuối cùng là Lễ Mon jê proaq - Cáo việc. Khi mọi việc xong xuôi, khách đã về hết thì chủ nhà khấn báo cho Giàng Đoong (Giàng nhà cửa) là mọi việc đã xong, xin được lấy ngày tốt để bắt đầu sản xuất, cầu xin mọi việc được suôn sẻ, bình an.
Mừng nhà mới là một lễ hội lớn của đồng bào Cơ Tu nói riêng và của đồng bào các dân tộc thiểu số phía tây Thừa Thiên Huế nói chung, thể hiện tính nhân văn sâu sắc giữa con người với con người, giữa anh em trong gia đình, dòng họ, bạn bè, hàng xóm láng giềng cùng chung sống, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau phát triển, cùng nhau dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp.
Lễ hội mừng nhà mới là một nét văn hóa đặc sắc trong kho tàng văn hóa của đồng bào được gìn giữ cho đến ngay nay và truyền lại cho thế hệ mai sau tiếp tục bảo tồn và phát huy hơn nữa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần làm giàu thêm nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo dulichvn.org.vn