Huế 24h
Bửu Ý – người giữ lại cho Huế những gì sẽ mất
08:28 | 25/09/2017

Nằm trong chuỗi hoạt động Tháng sách hay Phương Nam 2017, chiều 23/09, Công ty Sách Phương Nam, Tạp chí Sông Hương, Hội Nhà Văn TT.Huế và Hội Cựu Nữ sinh Đồng Khánh Huế đã phối hợp tổ chức chương trình giao lưu với nhà văn, dịch giả Bửu Ý - người giữ lại cho Huế những gì sẽ mất tại Nhà sách Phương Nam Phú Xuân, thành phố Huế.

Bửu Ý – người giữ lại cho Huế những gì sẽ mất
Nhà văn, dịch giả Bửu Ý giao lưu cùng bạn đọc

Trong dịp này, Công ty Sách Phương Nam đã cho tái bản bộ sách gồm 5 tập của nhà văn, dịch giả Bửu Ý: Ngày tháng thênh thang, Nước chảy qua cầu, Trịnh Công Sơn một nhạc sĩ thiên tài, Tâm tình với Trịnh Công Sơn, Tác giả thế kỷ XX.

Nhà văn Bửu Ý tên thật là Nguyễn Phước Bửu Ý, ông sinh năm 1937 tại Huế. Ở miền Nam những năm trước 1975,  Bửu Ý là cây bút uy tín được bạn đọc hâm mộ với rất nhiều các bài viết trên các tạp chí Mai, Văn, Diễn Đàn, Phố Văn... Nhắc đến Bửu Ý người ta nhớ ngay đến cuốn sách nổi tiếng Nhật ký Anne Frank do ông chuyển sang Việt ngữ được NXB An Tiêm ra mắt bạn đọc vào năm 1974. Ngoài Nhật ký Anne Frank, nhà văn Bửu Ý còn dịch thuật nhiều tác phẩm văn học kinh điển của nước ngoài như truyện Con lừa và tôi của tác giả Juan Ramón Jiménez, Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry…

Tháng 05/2015, Đại sứ Cộng Hòa Pháp tại Việt Nam đã tổ chức trao Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục quốc dân Pháp cho giáo sư, nhà văn, dịch giả Bửu Ý.

Giáo sư Thái Kim Lan nhận định rằng: "Bửu Ý là người sót lại cho Huế những gì sẽ mất. Ở Bửu Ý có sự cẩn mật, sự lễ nghi, sự nhạy cảm của Huế. Ở Bửu Ý có sự nhạy bén của tư tưởng, song không như Hoàng Phủ Ngọc Tường, không tiêu dao như Trịnh Công Sơn mà là rất giản dị. Đọc sách của Bửu Ý nhận ra giọng văn của kẻ nghiêng trời đổ đất mà lại rất đơn giản. Anh viết đơn giản từng chữ một mà rất Huế".

 

Quỳnh Chi

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng