Huế 24h
Bao giờ ca Huế được UNESCO vinh danh?
14:58 | 16/10/2017

“Trong ba dòng nhạc thính phòng của Việt Nam, ca trù (miền Bắc) và đờn ca tài tử (Nam bộ) đều đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì ca Huế chỉ mới được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, dù về lịch sử và chất lượng nghệ thuật chẳng thua kém gì”- nhạc sĩ Nguyễn Đình Sáng ngậm ngùi.

Bao giờ ca Huế được UNESCO vinh danh?
Ca Huế cần bảo tồn và tôn vinh.
Nỗi buồn ca Huế 
 
Ca Huế đã có hơn ba thế kỷ hình thành và phát triển trên mảnh đất Thuận Hóa - Phú Xuân (Thừa Thiên Huế hiện nay). Ca Huế được xác định là loại hình âm nhạc thính phòng bác học mang giá trị độc đáo, có hệ thống bài bản chặt chẽ, có xuất xứ từ âm nhạc cung đình nên mang phong cách sang trọng, tao nhã, có sự kết hợp nhuần nhuyễn với các làn điệu dân ca của âm nhạc dân gian.
 
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, ca Huế đã hình thành và phát triển song hành với những sinh hoạt âm nhạc cung đình từ thời các chúa Nguyễn cho đến các vua Nguyễn, trải dài suốt mấy thế kỷ. Trích dẫn tác phẩm của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961)- nhà nghiên cứu cho biết ca Huế đã từng được ghi chép có từ thời Đức Hiếu Minh (tức Chúa Nguyễn Phúc Chu - 1675-1725). 
 
Ca Huế được xây dựng trên 3 điệu chính gồm điệu Bắc (Khách) với chất nhạc tươi vui, trong sáng, sang trọng bao gồm 10 bản Ngự và 3 bản lẻ là Cổ bản, Hành vân và Lưu thủy, điệu Nam với tính chất buồn thương, bi ai, vương vấn, tiêu biểu là các bản Nam ai, Nam bình, Tứ đại, Phủ lục. Ngoài 3 điệu chính trên, ca Huế còn có một cách hát làm thay đổi tính chất các bàn bản được gọi là hơi dựng. 
 
Ca Huế là sự kết hợp giữa thanh nhạc và khí nhạc trong một hệ thống những bài bản có cấu trúc chặt chẽ, chuẩn mực. Người ta thường hay sử dụng các dàn nhạc tứ tuyệt, ngũ tuyệt hoặc lục tuyệt với hai chức năng chính là hòa tấu và đệm. Tuy nhiên, nghệ thuật hòa âm đặc trưng của nhạc đệm trong ca Huế là dàn ngũ tuyệt (tranh, nguyệt, bầu, tỳ, nhị) được coi là dàn nhạc đệm chỉnh chu nhất.
 
GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận xét: “Ca Huế đã theo chân các vị quan nhạc thâm nhập các cộng đồng dân cư Việt Nam, lan tỏa để phát triển thành những dòng nhạc thính phòng mới như đờn ca tài tử Nam bộ, nhạc bát âm miền Bắc”.
 
Lo ngại ca Huế bị pha tạp 
 
Các nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc còn lo lắng, ca Huế bị pha tạp trong thời buổi kinh tế thị trường. Từ khi du lịch Huế bắt đầu phát triển, ca Huế được đưa xuống thuyền, neo giữa dòng sông Hương để khách thưởng thức những làn điệu cổ truyền, làm nên một môi trường diễn xướng mới rất độc đáo, trở thành một “đặc sản” du lịch của Huế. 
 
Ca Huế rất kén chọn không gian diễn xướng. Tiếng ca, điệu nhạc chỉ lột tả được thần thái của ca Huế khi được cất lên trong những phòng khách trang trọng, những lòng thuyền tao nhã với số lượng người nghe vừa phải, có người tri âm, tri kỷ, có trình độ thưởng thức... Nhưng giờ đây, hình thức thưởng thức chính của du khách là “nhìn” các ca sĩ, nhạc công trẻ tuổi đầy hấp dẫn, còn yếu tố “nghe” chỉ là phụ đã khiến ca Huế có nguy cơ phát triển méo mó, lệch lạc chất lượng. 
 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho hay: “Không gian biểu diễn ca Huế hiện nay trên những chiếc thuyền “mạo danh thuyền rồng”. Có hiện tượng, một số diễn viên, nhạc công ca Huế muốn tạo tiết tấu réo rắt để gây hấp dẫn du khách, đã đẩy nhanh tốc độ nhiều làn điệu, bài bản, vô tình phá nát sự tinh tế, trang trọng của ca Huế, có nguy cơ dẫn đến làm biến chất ca Huế. Các nhạc công học qua loa, đối phó, chưa thật sự khổ luyện. Họ chỉ cần chơi nhuyễn một số bài để đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định để được cấp giấy phép rồi nghiễm nhiên trở thành “ca sĩ” đi diễn, “kiếm ăn”.
 
Ca Huế còn bị “bôi bác” bởi những người mang danh ca sĩ ca Huế. Họ tự chế những lời mới thay vì điệu ca, lời cổ. Và để gây cười cho du khách, họ chế: “Anh về thưa với mẹ cha, tháng năm ta cưới mà tháng mười sinh con”, sau đó lại “chua” thêm câu nói “Rứa là mình ăn cơm trước kẻng tề”! Ca sĩ mải chạy sô, chỉ biểu diễn ca Huế bằng “khẩu ca” chứ không phải bằng “tâm ca”. Các bầu sô đêm nhạc Huế ở sông Hương mải bắt khách, ghép khách trên thuyền khiến ca Huế bị lai tạp, gây thất vọng cho người yêu ca Huế thực thụ. 
 
Để bảo vệ, giữ gìn, tôn vinh ca Huế, các ngành chức năng Huế đang tìm nhiều biện pháp mạnh để “dẹp loạn ca Huế pha tạp” này. Vừa qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành “Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật ca Huế” nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật đặc sắc, quý báu của ca Huế. 
 
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản nghệ thuật ca Huế để đến năm 2020 hoàn thiện số hóa cơ sở dữ liệu về di sản nghệ thuật ca Huế; Tiến hành biên soạn, xuất bản 3 ấn phẩm nghiên cứu về di sản nghệ thuật ca Huế. Và theo kế hoạch, đến năm 2022, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ hoàn thành bộ hồ sơ đề nghị vinh danh nghệ thuật ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
 
Theo Thùy Dương - Báo Pháp luật
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng