Huế 24h
Cùng Triều Nguyên khám phá thành ngữ tiếng Việt địa phương vùng Huế
15:36 | 23/10/2017

Chuyện trò, người Huế và cả vùng Thừa Thiên Huế nữa, vẫn thường dùng những thành ngữ. Nó phong phú đến lạ lùng và người nghe, ngay cả những người Huế chính tông cũng phải ngỡ ngàng, còn để hiểu rõ dụng ý của người nói, đôi khi cần có sự giải thích cụ thể.

Cùng Triều Nguyên khám phá thành ngữ tiếng Việt địa phương vùng Huế
Xin được lấy ví dụ. Chỉ riêng chuyện ăn, người Huế bảo, ăn cặp quành, ăn cháo lú, ăn cháo lươn… Rồi lại bảo, ăn cúi trôốc, ăn lút mặt, ăn mắm mút dòi, ăn như chó mạ, ăn như mèo, ăn như tằm ăn lên, ăn như thúng lủng khu… Cũng là chữ “ăn” đó, lại xuất hiện trong ăn lần mần dọi, ăn chực nằm chờ, ăn tai nói ngược, ăn trắng mặc trơn, ăn một mâm ngồi một chiếu và còn nữa, rất nhiều. Rõ ràng, ta vẫn có thể hiểu hàm ý trong những thành ngữ có sự xuất hiện của từ “ăn” kia, thế nhưng sử dụng nó vẫn cứ ngờ ngợ, sợ không đúng ý, bị hiểu lầm hiểu sai, đôi khi lại mang vào thân cái họa miệng chẳng có gì hay ho.
 
Tôi thích cách nói có sử dụng thành ngữ, nghe thật sinh động. Điều này cũng rất cần cho công việc viết văn, làm báo. Vì thế mà, tôi đã tiếp nhận cuốn sách “Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt địa phương vùng Huế” của tác giả Triều Nguyên vừa mới được Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành vào năm giữa năm nay như một cuốn sách “gối đầu giường”. Gần 250 trang sách (khổ 14,5 x 20,5cm) và với 2.026 mục thành ngữ được giới thiệu và giải thích, “Từ điển giải thích tiếng Việt địa phương vùng Huế” là một công trình khá đồ sộ. Triều Nguyên cho biết, những từ ngữ được chọn trong cuốn từ điển này không có trong “Từ điển tiếng Việt” do Viện Ngôn ngữ học chủ trì biên soạn mới đây và điều đó cũng có nghĩa là, đây là cuốn từ điển địa phương có thể “dùng kèm” với cuốn từ điển vừa nêu.
 
Nghĩa của tổ hợp “thành ngữ tiếng Việt địa phương”  được hiểu là tổng thể các thành ngữ tiếng Việt được sử dụng ở một địa phương, và hẹp hơn, là số thành ngữ được người địa phương sử dụng trong các sáng tác văn chương (đặc biệt là văn học dân gian). Nắm vững điều đó, các thành ngữ được Triều Nguyên sưu tập và đưa vào cuốn từ điển của mình đều từ hai nguồn. Một là, nguồn từ các sách báo (chủ yếu trong các bộ sưu tập văn học dân gian, một số sách về sáng tác văn chương của một số nhà văn người địa phương, các tập từ điển). Hai là, nguồn từ lời ăn tiếng nói trong dân gian (mà không xuất hiện ở nguồn trước). Tất nhiên, cả hai nguồn đều có yêu cầu về việc xác định của người biên soạn, rằng mỗi thành ngữ được ghi nhận ở sách này đều được sử dụng ở vùng Huế. Nguồn đầu có sự hỗ trợ từ các tài liệu đã nêu. Còn nguồn sau thì không.
 
Tôi đoán chắc, là người Thừa Thiên Huế, đặc biệt là người lớn tuổi và sống ở quê, những cụm từ như: lặn chà lặn hói, lắc xắc lưởi xưởi, lặm cặm lụi cụi, hay lặng lẹ lặng tai, lòi chành té bứa… vẫn thường được nghe và cũng hay sử dụng trong giao tiếp. Thế nhưng, để hiểu và giải thích được cặn kẽ những thành ngữ này thì lại là chuyện khác, không dễ. Triều Nguyên đã giúp ta điều đó. Hãy dừng lại, giải thích cụm từ “lặng lẹ lặng tai” rất tượng hình và cũng rất tượng thanh, anh viết: Lặng lẽ, im hơi kín tiếng [“lặng lẹ: lặng lẽ; “lặng tai”: không nghe thấy, hoặc làm như không nghe thấy]. Rồi anh lấy ví dụ: Thấy nhà anh lặng lẹ lặng tai, bèn dừng lại hỏi thăm. Ông ta lặng lẹ lặng tai cho tới phút cuối mới lên tiếng (trang 110). Hay như thành ngữ “lòi chành té bứa”, nghe rất đã lỗ tai, được anh giải thích ngắn gọn nhưng ai cũng có thể hiểu ngay: Ăn nhiều, đến nôn ói ra. Ăn đến lòi chành té bứa mà vẫn còn ham. (trang 114).
 
Triều Nguyên chia sẻ khiêm tốn, cuốn từ điển của anh không đầy đủ. Nó chỉ đáp ứng hai yêu cầu. Một là, ghi lại các đơn vị thành ngữ được lưu truyền trong dân gian, qua các thể loại, loại hình sáng tác văn học để gìn giữ chúng. Hai là, hệ thống hóa và giải thích các đơn vị thành ngữ ấy, theo cách hiểu truyền thống của người dân bản địa. Nói thì đơn giản nhưng thực hiện lại không dễ dàng. Thế nhưng, chỉ vài ví dụ đã nêu cũng cho thấy, Triều Nguyên không chỉ có công ghi lại mà hơn thế, anh đã biết cách hệ thống khoa học và giải thích rõ ràng, dễ hiểu các đơn vị thành ngữ vùng Huế. Và tôi nghĩ, sự ra đời của những khảo cứu như “Từ điển giải thích tiếng Việt địa phương vùng Huế” của Triều Nguyên là rất cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu và học tập về thành ngữ vùng Huế cũng như tâm hồn, tính cách phong phú và đa dạng của con người nơi đây.
 
 
Theo Báo Thừa Thiên Huế Online
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng