Huế 24h
Hội thảo khoa học về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, thực tiễn và vấn đề đặt ra
10:01 | 24/11/2017

Hưởng ứng kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), sáng ngày 23/11, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Hội thảo Khoa học về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hội thảo khoa học về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, thực tiễn và vấn đề đặt ra
Chủ trì buổi Hội thảo có đồng chí Nguyễn Thiên Bình - UVTV Đảng ủy Sở, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, lãnh đạo các Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã và thành phố Huế và các nhà nghiên cứu.
 
 
Huế từng là cố đô của Việt Nam cùng với bề dày văn hóa, lịch sử của quá trình hình thành và phát triển, Huế đã xác lập cho mình một bản sắc riêng. Chính bản sắc Huế cùng với những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần đã tạo ra sức hấp dẫn, thu hút sâu rộng cả trong và ngoài nước. Với lịch sử hơn 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân và hàng ngàn năm tồn tại và phát triển của vùng đất bản địa, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 156 di tích được xếp hạng (02 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 87 di tích cấp Quốc gia, 69 di tích cấp Tỉnh), trong đó có 36 di tích, cụm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và 120 di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế. Tính đến nay, hầu hết các địa phương ở Thừa Thiên Huế đều có di tích được xếp hạng, đối với mỗi di tích được xếp hạng đều gắn liền với sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến di tích. Đây chính là những bằng chứng vật chất, tinh thần sống động về quá trình hình thành, phát triển gắn với quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng, được thế giới biết đến và ngưỡng mộ.
 
 
Với mong muốn chia sẻ và đóng góp những ý kiến, kinh nghiệm vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu; làm cơ sở xem xét, đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm từ kết quả thực tiễn trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định phân cấp quản lý của UBND tỉnh; Để từ đó tiếp tục nâng cao công tác quản lý nhà nước, tăng cường sự phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Di sản Văn hóa đến tận người dân, tạo điều kiện tốt nhất để nâng cao ý thức và ứng xử với các di sản văn hóa với tư cách là chủ nhân của di tích; đề xuất các giải pháp bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các nghị định, thông tư hướng dẫn trong việc phân cấp quản lý và phát huy giá trị di tích nhằm chủ động tham gia vào quá trình bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh.
 
Hội thảo được lắng nghe nhiều bài tham luận tập trung vào các nội dung như: Thực trạng về công tác quản lý và tu bổ di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di tích để đạt hiệu quả và có tính bền vững không làm xâm hại di tích, cảnh quan và môi trường trong di tích tại địa phương; Trình bày những đề xuất về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa trong thời gian tới...
 
 
Hội thảo được tổ chức trong dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) có ý nghĩa quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu cao ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước và phát huy vai trò, thế mạnh của các cơ quan trong công tác quản lý. Đồng thời, đây cũng là nơi gặp gỡ các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và làm sâu sắc thêm những quan điểm trong việc xác định những thách thức, khó khăn để từ đó tìm ra những giải pháp khả thi, nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa của địa phương, góp phần giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và danh lam thắng cảnh trong thời kỳ hội nhập.
 
Theo thuathienhue.gov.vn
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng