Nhằm giới thiệu những giá trị truyền thống của đám cưới Huế trong dân gian, sáng 30/11, Bảo tàng Văn hóa Huế đã tổ chức trưng bày chuyên đề "Đám cưới cổ truyền Huế".
Từ các bước lễ nghi cơ bản của một đám cưới Huế cho đến một số hình ảnh tư liệu đám cưới của người dân Huế trong khoảng thập niên 60, 70; những hiện vật gốc như thiệp cưới, giấy hôn thú, áo dài cưới, khay cau trầu rượu, các bản hương ước, luật lệ xưa... và một số hình ảnh được tái hiện như đoàn rước dâu, bàn thờ gia tiên, lê tơ hồng... giúp công chúng hiểu thêm về những nét đẹp bình dị, đặc sắc trong phong tục cưới hỏi của người dân Cố đô, góp phần bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa Huế và xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới phù hợp với truyền thống, đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
Để tổ chức một lễ cưới truyền thống ở Huế cần có đủ "Lục lễ" gồm: Nạp thái (sơ vấn), Vấn danh (hỏi tuổi), Nạp cát (nói vợ), Nạp tệ (lễ hỏi), Thỉnh kỳ (xin ngày), Thân nghinh (lễ cưới). Mặc dù lễ nghi trong đám cưới ở Huế có phần cầu kỳ hơn ở phần lễ, nhưng với quan niệm "Trọng lễ nghi, khi tài vật", nên lại không quá chú trọng vào vật chất.
Hiện nay, các bước lễ nghi này đã được nhiều gia đình Huế giảm bớt nhưng vẫn giữ lại một số lễ cốt lõi, hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, đề cao chết độ vợ chồng bình đẳng, đời sống chung thủy...
Triển lãm "Đám cưới cổ truyền Huế" kéo dài từ nay đến ngày 28/02/2018, tại Bảo tàng Văn hóa Huế, 23 - 25 Lê Lợi, thành phố Huế.
Một số hình ảnh tại phòng trưng bày:
Thiệp cưới và Thiệp báo hỷ
Khay và hộp đựng cau trầu rượu cho lễ cưới
Trích lục chứng thư hôn thú
Hộp trang điểm (quà cưới) và áo dài cưới
Giường tân hôn
Quỳnh Chi