Huế 24h
Phím Sông Hương ngân lên từ phố núi
09:11 | 07/12/2017

Thực hiện quyết định của Ban Chấp hành Hội Nhà Văn Thừa Thiên Huế về việc tổ chức trại sáng tác văn học; được sự quan tâm, giúp đỡ của Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Trại sáng tác Văn học Tây Nguyên 2017 đã được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột từ ngày 27.11 đến ngày 4.12.2017 đã thành công mỹ mãn.

Phím Sông Hương ngân lên từ phố núi
Nhà thơ Võ Quê - Trưởng trại sáng tác - phát biểu tại buổi tổng kết trại
Trại đã quy tụ 13 nhà văn, nhà thơ gồm: Phạm Xuân Phụng, Ngô Minh, Nguyên Quân, Lê Viết Xuân, Phạm Phú Phong, Lê Tấn Quỳnh, Nguyễn Thiền Nghi, Trần Bá Đại Dương, Ngàn Thương, Lãng Hiển Xuân, Đỗ Văn Khoái, Ngô Công Tấn, Võ Quê.
 
Sự sáng tạo văn học là một loại hình lao động đặc biệt. Các nhà văn nhà thơ đến dự trại với những dự định tốt đẹp, những ý tưởng sáng tạo mới; hoặc đã và đang có những trang bản thảo chưa hoàn chỉnh ở nhà. Sau một thời gian chuyên tâm, miệt mài cùng trang viết nhiều cảm xúc, đầy sự hứng khởi trước cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời; trong tình người Tây nguyên nồng hậu, nhiệt thành… đã có những tác phẩm được viết mới, có những tác phẩm được tu chỉnh, nâng cao để đến nay khi kết thúc trại, hầu hết các tác giả đều hoàn thành tác phẩm với các bản thảo  của nhà nghiên cứu, lý luận phê bình Phạm Phú Phong: Trần Văn Hội, hồn thơ lặng lẽ, Phú Xuân những ô ngăn trong ký ức của tôi (Ký), Văn chương tuổi Tuất, khắc họa chân dung 54 tác giả tuổi Tuất; truyện ngắn Đại gia móc cống của Lãng Hiển Xuân, hồi ký Chân giả gặp chân tình của Phạm Xuân Phụng, bút ký Xin lên hát với Phú Xuân, với người của Ngô Minh và 38 bài thơ.
 
 
Nhìn chung, các tác phẩm được hoàn thành ở trại sáng tác Buôn Ma Thuột đã tập trung vào các chủ đề tình yêu quê hương đất nước, trong đó có một số bài viết về miền đất Tây Nguyên, nơi đang diễn ra trại sáng tác; trân trọng hạnh phúc gia đình, tình yêu lứa đôi; thể hiện tính trung thực, nhân văn, hồn nghệ sĩ cũng như trách nhiệm công dân trước xã hội. Cũng do xuất phát từ tâm thành của mỗi tác giả mà chất lượng tác phẩm văn học tương đối tốt. Hình thức thể hiện phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc. Các tác giả đã trân trọng giá trị chân thiện mỹ trong đời sống cũng như yêu thích khám phá, tìm tòi những điều mới lạ để có những tác phẩm tâm huyết, đầy trách nhiệm trước công chúng yêu văn học.
 
Bên cạnh việc đi lại, tham quan, thâm nhập thực tế nhiều nơi trong tỉnh Đăk Lăk, trong đó có hồ Lăk, khu du lịch sinh thái Kô Tam và thành phố Buôn Ma Thuột để lấy tư liệu sáng tác theo sự tổ chức của trại hay của tự thân các nhà văn, nhà thơ; bên cạnh việc tiếp đón các đồng nghiệp là nhà văn, nhà thơ tỉnh Đăk Lăk đển thăm viếng, hàn huyên sinh hoạt thơ văn, các tác giả đã sắp xếp thời gian để tự giác viết, viết say mê theo nguồn cảm hứng. Kết quả đạt được mà chúng tôi báo cáo trên là chính từ cái không khí lao động đáng trân trọng ấy của các tác giả.
 
Nhân đây, chúng tôi cũng xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đăk Lăk đã tạo điều kiện tổ chức cuộc giao lưu quý giá; giúp cho chúng tôi hiểu tường tận những thành tựu văn học nghệ thuật của giới văn nghệ sĩ tỉnh Đăk Lăk góp phần vào sự phát triển, giàu mạnh, phồn vinh chung của tỉnh Đăk Lăk. Chúng tôi tin tưởng và hy vọng qua hiệu quả đạt được trong dịp giao lưu này sẽ phát huy trong cộng đồng văn nghệ sĩ của hai tỉnh. Với chúng tôi, trại sáng tác Buôn Ma Thuột sẽ là một kỷ niệm đẹp. Đẹp về cảnh sắc hùng vĩ, xanh tươi của thiên nhiên Tây nguyên; đẹp về tình người Tây Nguyên chơn chất, giàu sức sống; đẹp về tình nghệ sĩ.
 
Sự đón tiếp nồng hậu của Ban Liên lạc đồng hương Thừa Thiên Huế tỉnh Đăk Lăk cũng là một điểm nhấn đẹp đầy ấn tượng trong cuộc Trại sáng tác lần này. Chúng tôi hiểu và trân quý tấm lòng của bà con Thừa Thiên Huế đang sinh sống tại vùng đất Tây nguyên qua nhiều năm tháng. Vượt lên những khó khăn, gian khổ, bà con đã có nhiều cống hiến công sức của mình cùng với đồng bào bản địa chung lòng xây dựng tỉnh Đăk Lăk hưng thịnh phồn vinh. Chúng tôi vô củng tự hào về điều ấy! Chúng tôi mong trong thời gian tới, giới văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế sẽ có dip thâm nhập thực tế trong lĩnh vực này để có những trang viết sinh động về bà con Thừa Thiên Huế trên miền đất đỏ bazan.
 
Trong suốt 8 ngày ở Trại sáng tác, sức khỏe của hầu hết thành viên trại đều ổn định do không khí trong lành của khu du lịch sinh thái Đầu Nguồn cùng tình thần lạc quan, thoải mái, vui vẻ, hòa đồng, thân thiện của các tác giả. Tính đoàn kết, gắn bó, thương yêu đã tạo nên mối quan hệ chân thành; những trao đổi, tranh luận về học thuật cũng được các tác giả diễn ra sôi nổi, sâu sắc, hòa ái. 
 
Sự thành công của Trại sáng tác còn có phần đóng góp quan trọng của Ban giám đốc, cán bộ công nhân viên Khu Du lịch Sinh thái Đầu Nguồn; đó là những bữa ăn được cải thiện thường xuyên, ngon và sạch. Việc tổ chức ngủ nghỉ, sinh hoạt chu đáo, bảo đảm cho các nhà văn, nhà thơ sáng tạo trong điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất! Chúng tôi xin cảm ơn Khu Du lịch Sinh thái Đầu Nguồn và rất mong có dịp trở lại nơi đây!
 
Một lần nữa, toàn thể thành viên tham dự Trại sáng văn học Buôn Ma Thuột xin trân trọng cảm ơn Hội Nhà Văn Thừa Thiên Huế, Hội Văn học Nghệ Thuật Đăk Lăk, cảm ơn Ban Liên lạc đồng hương Thừa Thiên Huế; cảm ơn các thân hữu văn nghệ sĩ Đăk Lăk đã giúp chúng tôi có một cuộc trải nghiệm kỳ thú nơi Tây nguyên dấu yêu này!
 
Kính chúc các vị khách  quý, các nhà văn nhà thơ dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, giàu có năng lực sáng tạo!
 
 
Võ Quê
 
 
 
 
 
 
 
Tác giả: Võ Quê
Các bài mới
Các bài đã đăng