Huế 24h
Ra mắt tiểu thuyết "Nhật ký Đông Sơn" của nhà văn Nguyễn Quang Hà
10:43 | 22/12/2017

Sáng 22/12, Hội Nhà văn tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Tạp chí Sông Hương tổ chức buổi giới thiệu sách "Nhật ký Đông Sơn" của nhà văn Nguyễn Quang Hà. 

Ra mắt tiểu thuyết "Nhật ký Đông Sơn" của nhà văn Nguyễn Quang Hà
Nhà văn Nguyễn Quang Hà (phải) giao lưu cùng bạn đọc

Trong không khí kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhà văn - cựu chiến binh Nguyễn Quang Hà đã trình làng tiểu thuyết "Nhật ký Đông Sơn", góp phần làm phong phú các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân.


Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế - phát biểu tại buổi ra mắt sách

"Nhật ký Đông Sơn" được thể hiện dưới dạng nhật ký của Trúc - tiểu đoàn trưởng “Chị Thừa I”, mật danh đơn vị nổi tiếng thuộc Thành đội Huế. Nhật ký bắt đầu ngày 2 tháng 7, kết thúc 23 tháng 10, trải qua ba tháng trời chiến đấu ác liệt. Nhân vật Trúc là lính đặc công quê miền Bắc, được Thành đội trưởng Thân Trọng Một cử về Đông Sơn, giúp quân dân ở đây đánh địch, phá các ý đồ quân sự. Nhân vật Quyền, chiến sĩ du kích giàu lòng yêu nước, quả cảm, cũng được nhà văn khắc họa thành công.

Nhà văn Nguyễn Quang Hà cho biết địa danh Đông Sơn trong tác phẩm chính là xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) mà tác giả từng bám trụ ở đây thời chống Mỹ. Còn nhân vật Trúc chính là người bạn chiến đấu cùng quê với nhà văn là Dương Thanh Chúc (nay đã mất).


Nhà văn Nguyễn Khắc Phê nhận định về: tính “hiện thực “cổ điển” trong Nhật ký Đông Sơn”, đã tái hiện những góc cạnh chân thực nhất về cuộc chiến

Nhật ký Đông Sơn bừng lên khí thế hừng hực của toàn đảng, toàn quân toàn dân Đông Sơn nhất tề đứng lên, đoàn kết chống lại kẻ thù ngày đêm giày xéo quê hương họ. Thông qua ngòi bút đầy ắp chủ nghĩa nhân đạo, các chi tiết nghệ thuật và hiện thực nghiệt ngã của cuộc chiến, nhà văn Nguyễn Quang Hà đã nhìn thẳng vào hiện thực chiến tranh, bằng những trải nghiệm và cái nhìn cá nhân, tái hiện lại chiều kích đau thương và bộ mặt tàn khốc không thể quy giản của chiến tranh, phục dựng lại hình ảnh của những con người bằng sự chịu đựng và sức mạnh anh hùng đã thực sự làm nên sức mạnh cho cuộc kháng chiến, tái sinh lại những khát vọng nuôi dưỡng cả một dân tộc trong chiến tranh.


Nhà thơ Ngô Minh nhận xét :“Cuốn sách như một bảo tàng lưu giữ những hình ảnh của cuộc chiến âm thầm mà vĩ đại của những người dân Đông Sơn”

Nguyễn Quang Hà là một những nhà văn từng đi qua chiến tranh với tư cách người lính. Vì thế, công việc của nhà văn đã làm sống lại lịch sử, biến những sự kiện lịch sử thành những câu chuyện lịch sử sống động, khám phá số phận con người và luận giải những vấn đề được đặt ra từ lịch sử, qua đó truyền cảm hứng và tình yêu dân tộc. Đối với nhà văn Nguyễn Quang Hà, đây có thể coi là một cuốn biên niên sử sống động về những ngày chiến đấu ở Đông Sơn. 


Nhà văn Hà Khánh Linh


Bìa tập sách

 

 

Quỳnh Chi

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng