Huế 24h
Dòng chảy…
15:49 | 02/01/2018

Không phải là những gương mặt mới nhưng năm 2017, họ đã tạo được dấu ấn trong hành trình sáng tạo bằng những tác phẩm được công chúng ghi nhận, để tiếp nối dòng chảy văn học nghệ thuật Cố đô.

Dòng chảy…
Nhà thơ Phạm Nguyên Tường. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sâu nặng với đất và người A Lưới
 
Năm 2017, nhà thơ – bác sĩ Phạm Nguyên Tường ra mắt độc giả bài thơ “A Lưới đồng bào mình” (NXB Thuận Hóa ấn hành), tác phẩm nhận được tặng thưởng hàng năm của Liên hiệp các Hội VHNT. Bài thơ đến 800 câu nhưng anh không tự nhận là trường ca, chỉ đơn giản là bài thơ dài tự sự những gì anh cảm về đất và người A Lưới. Đó là câu chuyện về những người con của đại ngàn xanh thẳm với những hùng thoại về cuộc chiến sinh tồn bảo vệ đất thiêng, về văn hóa đặc trưng của người miền cao, với những câu chuyện từ truyền thuyết… Thơ Phạm Nguyên Tường trong “A Lưới đồng bào mình” mang đậm chất sử thi hồn nhiên mà phóng túng là những gì nhà văn Lê Huỳnh Lâm cảm nhận.
 
Phạm Nguyên Tường cho hay, đối với anh, A Lưới trở thành mảnh đất thân thuộc gần 20 năm nay. Anh đã lên với A Lưới bằng những chuyến công tác, tham gia các trại sáng tác và cả những lần quay lại cho… đỡ nhớ để được cùng ăn, cùng ở với bà con. Nhà thơ bộc bạch: “Mỗi lần trở lại, tôi được sống trong không gian văn hóa của vùng đất này, với những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết dân gian, văn hóa bản địa phong phú của các dân tộc. Từ đó, đất và người A Lưới thấm đẫm trong tôi qua thời gian, đến độ chín và tôi thấy mình cần phải viết. Ấp ủ thì rất lâu, gần 20 năm nhưng khi chắp bút, cảm xúc tuôn trào và tôi chỉ viết trong 1 tuần”.
 
Bài thơ chia làm 5 phần, khắc họa con người và vùng đất A Lưới tiềm tàng những giá trị về văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân gian của các dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, Ka Tu, với những con người sinh ra, lớn lên, giữ đất, giữ làng với nhiều hy sinh mất mát. Đó còn là cảm xúc bi tráng về vùng đất trải qua và chịu nhiều di chứng của chiến tranh, để rồi kết lại bằng cuộc sống mới qua những gương mặt trẻ tăng gia sản xuất, phát triển khoa học kỹ thuật để kiến tạo vùng đất. Văn hóa vùng đất còn được tác giả thể hiện rõ nét qua nghề dệt zèng. Bao nhiêu giá trị văn hóa dân gian, cộng đồng thậm chí là lịch sử vùng đất hiện lên trên tấm zèng của người phụ nữ A Lưới:
 
“Tấm zèng mẹ dệt ba ngày ba đêm
 
hoa văn hoa mắt mẹ
 
những li ti trắng chuỗi hạt cườm…
 
những tấm zèng đen
 
màu đen của rễ cây cắm sâu tầng đất
 
màu đen của lá cây ủ sâu tầng trời
 
màu đen đại ngàn thân thuộc
 
bình dị mà kiêu hãnh
 
như cái bụng người Tà Ôi…”
 
Nhà thơ Phạm Nguyên Tường chia sẻ: “Hình ảnh của bà mẹ Kăn Hốt ở A Hưa, xã Nhâm để lại dấu ấn sâu đậm với anh. Đó là hình ảnh của người phụ nữ dệt zèng gói gọn tất cả nét văn hóa của người phụ nữ vùng cao với sự chịu thương chịu khó lo cho chồng con. Ngày nào cũng bên khung cửi, dường như bao nhiêu tâm huyết của bà đều dồn vào những hoa văn trên tấm zèng để giữ gìn bản sắc A Lưới”. Điểm độc đáo nữa của “A Lưới đồng bào mình” là tác phẩm được minh họa bằng 5 bức tranh của họa sĩ Đặng Mậu Triết với những ký họa bút sắt, màu về chính vùng đất này.
 
Giữa công việc bận rộn của một bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế, thơ ca vận vào Phạm Nguyên Tường như là nghiệp. Gặp anh giữa ngày cuối năm bận rộn với rất đông bệnh nhân, áp lực, bận bịu nhưng anh vẫn dành cho thơ khoảng trời riêng: “Với tôi, thơ không quá mất thời gian vì nó là khoảnh khắc, cảm xúc bất chợt đến, cứ thế mình nắm bắt và viết…”.
 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Vững. Ảnh: Nhân vật cung cấp
 
Miệt mài với những chuyến đi
 
Trong giới nhiếp ảnh Huế, Trương Vững là tay máy tạo được chỗ đứng riêng bằng tác phẩm, được ghi nhận bằng tước hiệu EVAPA – nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Bẵng gần 2 năm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Vững ghi dấu sự trở lại bằng tác phẩm “Thăm rớ” đoạt huy chương đồng cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 9 tại Việt Nam 2017 (VN-17) do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế. Trương Vững còn vinh dự có tác phẩm lọt vào vòng triển lãm của 3 trong 4 đề tài: Tự do, phong cảnh, cuộc sống đời thường và chân dung. Ngoài “Thăm rớ”, hai tác phẩm khác của anh là “Chằm nón” thể hiện chân dung một người phụ nữ Huế và phong cảnh “Bình minh trên đầm Lập An” được chọn triển lãm trong hàng nghìn bức ảnh dự thi. Trong sân chơi lớn này, có ảnh được chọn triển lãm là một vinh dự, hạnh phúc với người cầm máy.
 
“Thăm rớ” là bức ảnh nghệ sĩ Trương Vững chụp được trong một lần đi sáng tác ở biển Cửa Đại, Hội An. Nghệ sĩ Trương Vững chia sẻ: “Ảnh chụp về công việc đánh cá của ngư dân ở Cửa Đại không phải là đề tài mới, người chụp flycam, người chụp sương mù, chụp toàn ảnh… nhưng tôi thể hiện bằng góc nhìn của riêng mình. Từ cây sào tự chế, tôi đưa máy ảnh lên cao chụp sát miệng tấm lưới tạo ra bố cục lạ cho tác phẩm”. Giữa không gian mênh mông của sớm bình minh, tấm lưới như được dát vàng, người ngư dân bé nhỏ toát lên vẻ đẹp cần cù của lao động là hình ảnh đẹp, lạ của bức ảnh. Tác phẩm này cũng mang về cho Trương Vững giải A xuất sắc của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.
 
Đam mê từ nhỏ nhưng đến năm 2001, Trương Vững mới bắt đầu cầm máy. Để có những bức ảnh đẹp, anh đi sáng tác thường xuyên, có khi gần như ngày nào anh cũng đi. Ngoài Huế, các địa phương lân cận, như: Hội An, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị luôn ghi dấu bước chân miệt mài của người nghệ sĩ này. Tuy vậy, phong cảnh sông nước trên quê hương Thừa Thiên Huế có một sức cuốn hút với anh đến lạ kỳ. Hình ảnh cuộc sống, con người, thiên nhiên sông nước hữu tình, vẻ đẹp thơ mộng của dòng sông Hương, núi Ngự, quần thể di tích, lịch sử, văn hóa luôn quyến rũ anh. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Vững tâm sự: “Niềm đam mê giúp tôi sáng tác không ngừng. Tôi đã đến nhiều tỉnh, thành phố khác và cũng đã có nhiều khoảnh khắc bấm máy nhưng những tác phẩm tôi tâm đắc phần nhiều là chụp về đề tài sông nước của Huế. Dường như, Huế vẫn luôn mới trong tâm thức, tình cảm và đang nuôi dưỡng ngọn nguồn sáng tạo của tôi”.
 
 
 
Theo Báo Thừa Thiên Huế
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng