Huế 24h
Giới thiệu tiểu thuyết "Trùng tu" của nhà văn Thái Bá Lợi
17:00 | 15/01/2018

Nhân dịp Nhà xuất bản (Nxb) Hội Nhà văn vừa tái bản tiểu thuyết "Trùng tu" của nhà văn Thái Bá Lợi, chiều 15/01, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Nxb Hội Nhà văn tổ chức buổi giới thiệu tác phẩm "Trùng tu". Đây là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968.

Giới thiệu tiểu thuyết "Trùng tu" của nhà văn Thái Bá Lợi
Nhà văn Thái Bá Lợi tại buổi giới thiệu sách

Đến tham dự buổi giới thiệu sách có nhà thơ Thanh Thảo - Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Mai Văn Hoan - Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế, PGS,TS Hồ Thế Hà - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Liên hiệp các Hội VHNT TT.Huế, ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch TT.Huế, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch Phụ trách Liên hiệp các Hội VHNT TT. Huế cùng đông đảo các văn nghệ sĩ TT.Huế.


Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch Phụ trách Liên hiệp các Hội VHNT TT.Huế, Chủ tịch Hội Nhà văn TT.Huế - phát biểu tại buổi giới thiệu sách

Nhà văn Thái Bá Lợi sinh năm 1945, thuộc thế hệ nhà văn xuất hiện vào những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Ông được coi là một trong số những nhà văn viết về chiến tranh sau chiến tranh được bạn đọc chú ý. Người đọc biết đến ông với hàng loạt cuốn tiểu thuyết như: Họ cùng thời với những ai (1978) - tác phẩm đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam; Thung lũng thử thách (1981), Bán đảo (1983), Còn lại với thời gian (1986), Trùng tu (2003), Khêmama (2004), Minh sư (2010) và Câu chuyện Đà Nẵng (2016).


Bìa tiểu thuyết "Trùng tu" vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản

Tiểu thuyết "Trùng tu" từng đạt giải A Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, viết về một giai đoạn bi tráng trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc. "Trùng tu" đã kể lại câu chuyện: Cả một trung đoàn đánh xuống Huế, trụ trong lòng thành Huế 26 ngày đêm, rồi rút "lên xanh", rồi lại hạ sơn, vòng phía sau Huế để thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao, đã chiến đấu trực tiếp với quân đội Mỹ, để cuối cùng, gần như cả trung đoàn bị xóa sổ, chỉ còn sót lại vài chục người.

Cốt truyện khá đơn giản, nhân vật không nhiều, song chúng ta gặp trong tiểu thuyết khá nhiều hình tượng nhân vật đáng nhớ của một thời. Về hình tượng người lính trong chiến tranh, tuy mỗi người mang trong mình những nét tính cách riêng, nhưng họ đều có những phẩm chất tốt đẹp: lòng dũng cảm, đức vị tha, chiến đấu hết mình cho lẽ sống và lý tưởng chung của dân tộc.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch Phụ trách Liên hiệp các Hội VHNT TT.Huế, Chủ tịch Hội Nhà văn TT.Huế - khi nhận xét về tiểu thuyết "Trùng tu" đã cho biết: "Câu chuyện giữa "Tôi và nó, hai trong số vài ba chục người còn sống sót của một tiểu đoàn bảy trăm người sau sự kiện Tết Mậu Thân ở Huế, tình cờ gặp nhau ở đây", không chỉ là câu chuyện của Tết Mậu Thân ở Huế, nó đã gợi nhắc cho cuộc sống đương đại cần biết nhớ những gì cả đất nước đã từng hy sinh để có được nền độc lập, thống nhất, hòa bình hôm nay."


Nhà thơ Thanh Thảo - Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam

Nhà thơ Thanh Thảo chia sẻ: "Chính tôi đã đề nghị Thái Bá Lợi in lại tiểu thuyết "Trùng tu", một cuốn sách mà theo tôi, không chỉ đáng đọc với người Việt, mà còn đáng đọc với người Mỹ, nhất là những lính Mỹ từng tham gia các trận đánh ngay trong kinh thành Huế Tết Mậu Thân ấy."

Có thể nói, với một đất nước đã trải qua nhiều đau thương, mất mát để giữ nền độc lập như Việt Nam, đề tài về chiến tranh, về những người lính luôn đầy ắp không bao giờ vơi cạn. Tiểu thuyết "Trùng tu" của nhà văn Thái Bá Lợi một lần nữa đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc của mỗi người con đất Việt nói chung và người dân Huế nói riêng, khắc sâu vào tâm khảm mỗi người lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha anh đi trước - một thế hệ của những vị anh hùng.

 

Quỳnh Chi

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Dòng chảy… (02/01/2018)