Theo quan niệm của người xưa, vị trí địa lý của Huế không chỉ mang tầm quan trọng về mặt giao thông và phòng thủ mà còn mang ý nghĩa đặc biệt về phong thủy. Các cụm công trình kiến trúc quan trọng của Huế được quy hoạch dưới thời Nguyễn đều được thiết kế gắn liền với yếu tố cảnh quan phong thủy, đặc biệt là hồ nước (hoặc sông, suối..), núi án, núi chầu... Những hình ảnh và địa danh nổi tiếng của Huế đã đi vào thơ ca, nhạc họa cũng chính là những yếu tố phong thủy của kiến trúc cung đình Huế như sông Hương, núi Ngự Bình, cồn Hến, cồn Dã Viên… Những yếu tố phong thủy như: đồi, núi, sông, hồ,...hệ thống thủy đạo của mỗi khu lăng tẩm như một mạch nối những yếu tố phong thủy này, tạo thành cảnh quan văn hóa và hệ sinh thái đặc trưng của khu vực lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn và các công trình di tích lăng mộ gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương.
Huế với vị trí phong thủy tốt được các vua Nguyễn chọn làm kinh đô xưa kia
Cụm lăng tẩm hoàng gia Triều nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương là một khu vực có giá trị to lớn về nhiều mặt, xứng đáng để được công nhận là di sản thế giới bởi những yếu tố đa dạng được lồng ghép một cách toàn diện và quy tụ quanh hệ sinh thái tự nhiên trải dọc theo sông Hương từ Kinh thành Huế đến các lăng tẩm hoàng gia và hệ thống làng mạc dân cư.
Đây là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể và tinh thần phong phú, bao gồm: sản phẩm nông nghiệp, thế giới tinh thần (quan niệm sống, tôn giáo và tín ngưỡng), thủy lợi, hệ thống quản lý nước và các yếu tố lịch sử, văn hoá, truyền thống (sinh hoạt cộng đồng, lễ hội…) đều được lồng ghép vào cảnh quan văn hoá lưu vực sông Hương. Hệ thống thủy đạo và môi trường sinh thái lịch sử được thiết kế và bố trí tại lưu vực thượng nguồn sông Hương, có chức năng đặc biệt quan trọng hiện đang được quản lý và duy trì bởi chính quyền và người dân địa phương.
Lăng vua Minh Mạng (ảnh: Quang Huy)
Hội thảo quốc tế này thứ nhất nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu của hai bên về những giá trị, đặc điểm và tiềm năng của cảnh quan văn hóa và môi trường lịch sử - sinh thái tại khu vực lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương;
Thứ hai là thảo luận, trao đổi ý kiến giữa các chuyên gia với các nhà quản lý, các học giả, các nhà nghiên cứu về quan điểm bảo vệ vùng đệm cảnh quan văn hóa nhằm mục đích bảo vệ tính toàn vẹn, duy trì và phát triển bền vững các giá trị văn hóa – lịch sử, cảnh quan, môi trường của các lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương nhằm xây dựng phương án thích hợp bảo tồn cảnh quan di sản cho khu vực;
Và thứ ba là, thiết lập mô hình du lịch sinh thái tại lăng Gia Long (một trong những kết quả nghiên cứu hợp tác giữa HMCC và WIURS trong giai đoạn 2014-2018).
Lăng vua Gia Long được bao quanh bởi 42 ngọn núi
Ngoài ra, kết quả của hội thảo này sẽ được xem xét bổ sung vào hồ sơ tái đề cử Quần thể Di tích Huế với tiêu chí mới là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới. Một bước tiến nhằm bảo vệ toàn diện hơn các giá trị của di sản vắn hóa Huế. Đây cũng là nỗ lực của của Trung tâm nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung trong việc xây dựng hồ sơ tái đề cử nhằm vinh danh một lần nữa Quần thể Di tích Huế là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới theo khuyến nghị của UNESCO và Bộ VH,TT&DL trong những năm gần đây.
Lăng vua Tự Đức nhìn trên cao với hệ cảnh quan xanh ấn tượng (ảnh: Quang Huy)
Lăng vua Thiệu Trị (ảnh: Quang Huy). 4 cụm lăng tẩm triều Nguyễn được nghiên cứu kỹ và có nhiều giá trị được bàn luận tại Hội thảo này
Theo Đại Dương - Dân trí