Huế 24h
Quy chế xét tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô
08:07 | 02/11/2018
UBND tỉnh vừa có Quyết định số 59/2018/QĐ-UBND ngày 26/10/ 2018 ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Cố đô tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018 và bãi bỏ Quyết định số 675/QĐ-UBND ngày 11 tháng 4 năm 2013 của UBND tỉnh ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô tỉnh Thừa Thiên Huế. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan xem xét và quyết định tặng Giải thưởng VHNT Cố đô theo định kỳ 5 năm một lần.
 
Quy chế xét tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô
Quy chế này quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, cơ cấu giải thưởng, mức thưởng, trình tự, hồ sơ, thủ tục, nguyên tắc và Hội đồng xét tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô; việc giải quyết, khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc xét tặng tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô.
 
Quy chế này áp dụng đối với những tác phẩm, công trình sáng tạo, nghiên cứu, lý luận phê bình văn học nghệ thuật thuộc các lĩnh vực âm nhạc, kiến trúc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, văn nghệ dân gian công bố kể từ ngày 01 tháng 4 của năm đầu kỳ giải thưởng đến ngày 31 tháng 3 của năm cuối kỳ giải thưởng.
 
Đối tượng áp dụng là các tác phẩm, công trình của tác giả, nhóm tác giả là công dân Việt Nam sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Các tác phẩm, công trình của tác giả, nhóm tác giả là công dân Việt Nam không sinh sống và làm việc tại Thừa Thiên Huế nhưng có tác phẩm, công trình sáng tác về Thừa Thiên Huế công bố trong giai đoạn xét giải.
 
Về nguyên tắc xét tặng Giải thưởng VHNT Cố đô, Quy chế nêu rõ, việc đăng ký đề nghị xét tặng Giải thưởng VHNT Cố đô được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Việc xét tặng giải thưởng được thực hiện khách quan, công khai, công bằng, chính xác. Tác phẩm, công trình đề nghị xét tặng giải thưởng không vi phạm về quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Mỗi tác phẩm, công trình chỉ được tặng một giải thưởng về văn học nghệ thuật. Không xét trao Giải thưởng VHNT Cố đô cho các tác phẩm, công trình trong các trường hợp: Đã được trao Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật; Tuyển tập từ 4 tác giả trở lên; các tác phẩm in, bộ tác phẩm, công trình, cụm công trình có sử dụng lại các tập hoặc các bài đã in đơn lẻ trong các tập đã được công bố trước thời điểm quy định về thời gian công bố của tác phẩm trong kỳ xét giải; bộ tác phẩm, công trình, cụm công trình trong đó có một tác phẩm, công trình đã được trao giải thưởng của các kỳ giải thưởng trước; Tác phẩm, công trình có quyết định đình bản hoặc thu hồi của cơ quan quản lý nhà nước cơ thẩm quyền hoặc có khiếu nại về nội dung và kết quả kể từ khi được công bố đến thời điểm xét tặng giải thưởng; Các tác phẩm thuộc thể loại thông tấn báo chí; tranh cổ động; ảnh thời sự báo chí đơn thuần; các hình thức hát múa minh họa hoặc màn múa hát không phải là tác phẩm múa độc lập hoàn chỉnh; các tác phẩm múa sử dụng âm nhạc có tính vay mượn, lắp ghép không rõ nguồn gốc; các tiết mục tham gia hội diễn quần chúng tại địa phương; chương trình nghệ thuật phục vụ các ngày lễ lớn, các kỳ lễ hội; đạo diễn, kịch bản, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc sân khấu, vai diễn mang tính đơn lẻ...
 
Về cơ cấu giải thưởng, Giải thưởng cho các tác phẩm, công trình đạt giải thưởng VHNT Cố Đô được xếp theo hạng A, B, C. Tổng số giải thưởng bao gồm: 8 giải hạng A, 18 giải hạng B, 32 giải hạng C.
 
Giải thưởng VHNT Cố Đô được trao căn cứ theo chất lượng tác phẩm, công trình, không nhất thiết phải chọn đủ các loại hình văn học nghệ thuật nếu loại hình đó không có tác phẩm, công trình đạt các tiêu chuẩn cao để trao thưởng theo hạng A, B, C.
 
Tác giả/đồng tác giả có tác phẩm, công trình đạt giải A, B, C được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Giấy chứng nhận Giải thưởng VHNT Cố đô cho tác giả, tác phẩm, công trình đạt giải kèm tiền thưởng.
 
Về mức tiền thưởng, Giải thưởng hạng A: 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm được trao giải thưởng. Giải thưởng hạng B: 15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm được trao giải thưởng. Giải thưởng hạng C: 10 lần mức lương cơ sở tại thời điểm được trao giải thưởng.
 
Đối với tác phẩm phái sinh (tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn...) được hưởng 60% mức thưởng A, B hoặc C của mức thưởng.
 
Theo Quy chế thì Lễ trao giải thưởng được tổ chức sau khi có quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận kết quả xét tặng giải thưởng của Hội đồng chung khảo, thời gian không quá 30 ngày kể từ ngày ký quyết định. Việc công bố và trao giải thưởng được tổ chức trang trọng và truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh nhằm quảng bá và giới thiệu rộng rãi thành tựu văn học nghệ thuật đến với công chúng tỉnh nhà và cả nước
 
Quy chế cũng quy định rất cụ thể và chi tiết về Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng, Trình tự xét tặng, Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện và thể loại xét tặng…
 
 
Theo thuathienhue.gov.vn
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng