Sáng 26/12, tại hội trường khách sạn Duy Tân (thành phố Huế), Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo "Văn học Thừa Thiên Huế sau đổi mới 1986".
Công cuộc Đổi mới toàn diện năm 1986 đã mở ra môt thời kì mới trong lịch sử đất nước nói chung, đưa đến một chặng đường mới cho nền văn học Việt Nam nói riêng; trong đó đời sống văn học Thừa Thiên Huế cũng nằm trong xu hướng vận động, đổi mới của nền văn học dân tộc. Hơn ba mươi năm sau đổi mới, chưa phải là khoảng thời gian dài so với tiến trình lịch sử, nhưng cũng đã đủ để cùng nhận diện, đánh giá những thành tựu và giới hạn.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TT.Huế - trình bày đề dẫn hội thảo
Tại hội thảo, hơn 20 tham luận tập trung chủ yếu vào các chủ đề: Nhận diện toàn cảnh nền văn học Thừa Thiên Huế từ 1986 đến nay; những vận động của các thể loại văn xuôi, thơ, phê bình lý luận và dịch thuật; những chân dung tác giả... Các tham luận cũng đã đi sâu vào phác họa các chân dung văn học, góp phần làm nên diện mạo văn học Thừa Thiên Huế sau 1986, như tên tuổi của các văn nghệ sĩ như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Vàng Sao, Hồng Nhu, Tô Nhuận Vỹ, Trần Thùy Mai, Ngô Minh, Phạm Tấn Hầu,... Những nghiên cứu này đã cho thấy một thông số khá đầy đủ về tổng quan dung mạo của một chặng đường văn học Thừa Thiên Huế.
Nhà thơ Đông Hà - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế - với tham luận "Văn học Huế - Một quãng đường nhìn lại"
Nhận diện toàn cảnh, tham luận "Văn học Thừa Thiên Huế sau 1986 - những thành tựu và đổi mới" của TS Nguyễn Văn Hùng đi sâu vào phân tích hai thể loại đạt được nhiều thành tựu nhất đó là văn xuôi và thơ ca. Theo TS Nguyễn Văn Hùng, điều đáng ghi nhận là "Những biến đổi của văn học Thừa Thiên Huế sau 1986 được thể hiện rõ nét trong sự vận động của các thể loại văn học. Ở bất kì thể loại nào chúng ta cũng dễ dàng nhận ra ý thức đổi mới từ tư duy thể loại, cảm hứng, khuynh hướng sáng tác đến lối viết, nghệ thuật thể hiện. Đặc biệt, luôn xuất hiện những nhà văn đóng vai trò tiên phong trong tiến trình đổi mới đã và đang dự phần vào đời sống văn học nước nhà với các tác phẩm mang đặc sắc mang phong cách, cá tính riêng".
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê với tham luận "Nhà văn không thể lãng tránh đề tài nóng hiện nay"
ThS. Lê Minh Phong lại có nhận xét về văn xuôi nói chung như sau: "Nhìn chung, văn xuôi Thừa Thiên Huế từ sau 1986 được sáng tác dưới nhãn quan của các khuynh hướng như: hiện thực, lãng mạn và về sau, nhiều nhà văn sáng tác theo mỹ học hiện đại, hậu hiện đại với nhiều khai mở đáng trân trọng".
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ trình bày tham luận "Tạp chí Sông Hương và bản lĩnh văn hóa"
Về thơ Huế, có khá nhiều trang viết về đề tài này qua các tham luận dày dặn "Thơ Huế từ 1975 đến nay, nhìn từ lực lượng sáng tác đồng hành" của PGS.TS Hồ Thế Hà, "Sự vận động hệ hình của thi ca Thừa Thiên Huế ba mươi năm đổi mới (1986 - 1996)" của Phan Tuấn Anh, đã soi thơ Huế dưới lớp kính đa chiều, đa diện, như ý kiến TS. Nguyễn Văn Hùng: "Thơ Thừa Thiên Huế sau 1986 đa dạng về xu hướng, phong phú về giọng điệu, biến ảo về kết cấu, linh hoạt về ngôn từ. Các nhà thơ trong nỗ lực tự làm mới mình đã thể nghiệm những hình thức nghệ thuật và kiến tạo diễn ngôn mới về thơ".
Nhà thơ Phan Tuấn Anh trình bày tham luận "Sự vận động hệ hình của thơ ca Thừa Thiên Huế ba mươi năm đổi mới (1986 - 2996)"