Sáng 6/7, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế phối hợp với Hội VHNT Quảng Bình, Hội VHNT Quảng Trị tổ chức cuộc hội thảo "Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên - Truyền thống và tiếp nối". Đây là dịp gặp mặt đầy xúc động của đại diện văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên thế hệ trước đây và thế hệ tiếp nối sau 30 năm tách tỉnh (1989 - 2019).
Bình Trị Thiên - vùng đất chứng kiến sự chia cắt đất nước trong chiến tranh, ngoài giá trị biểu tượng cho sự thống nhất đất nước, còn là một vùng đất mà toàn thể nhân dân, trong đó có văn nghệ sĩ đã chung vai sát cánh xây dựng quê hương, hàn gắn vết thương sau chiến tranh.
Nhà thơ Võ Quê - Nguyên Chủ tich Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế
Nhà thơ Võ Quê xúc động chia sẻ: "Khi Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên định hình, tôi có một thời gian làm Chánh văn phòng Hội. Trên cương vị này, với tôi là dịp tốt để được quen biết, gần gũi với hầu hết hội viên ba tỉnh. Điều thú vị nhất trong giai đoạn này là tôi được ban lãnh đạo Hội giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức, thực hiện các chuyến thâm nhập thực tế, mở các Trại sáng tác văn học nghệ thuật trên địa bàn Bình Trị Thiên.(...) Nay dù không chung một mái Bình Trị Thiên theo nghĩa hành chính đơn thuần nhưng chúng tôi đang sống thật, sống rất tình trong mái ấm văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên. Chúng tôi mong cuộc hội thảo này chỉ là sự mở đầu để chuẩn bị diễn ra những không gian văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên tiếp truyền những giá trị văn hóa đã qua và khai lối, hình thành nhiều sáng tạo văn học nghệ thuật mới".
Nhà thơ Nguyễn Khắc Phê - Nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế
NSND Kim Quý bồi hồi nhớ về mảnh đất Bình Trị Thiên một thời gian khó đã hun đúc và thúc đẩy sáng tạo của văn nghệ sĩ
Nghệ sĩ Văn Thanh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Thừa Thiên Huế - chia sẻ về đoàn kịch nói Bình Trị Thiên
Nhà văn Kim Cương - Trưởng Phân Hội Văn học Quảng Bình
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ - Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ chia sẻ cảm nghĩ về bản lĩnh văn hóa trong văn học nghệ thuật: "Thuận Hóa - Phú Xuân là vùng văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Ai cũng biết điều ấy, dĩ nhiên là với những người am hiểu và quý trọng văn hóa. Nhưng, trên cương vị người viết, người nghiên cứu, người sáng tác, người phụ trách văn hóa văn nghệ, người quản lý... thì làm sao thấy được đâu là căn cốt của truyền thống văn hóa ấy và từ đó tìm cho được hướng hành động đúng, và kiên trì định hướng ấy, để phát huy truyền thống ấy là việc không hề dễ dàng, thậm chí là khó khăn nhất, là thử thách đầu tiên. Bởi phải có bản lĩnh, bản lĩnh văn hóa, mới có thể làm được những việc ai cũng biết, ai cũng nói mà không phải ai cũng làm được".
Nhà thơ Đông Hà - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế - chia sẻ cảm nhận về quãng đường đã qua của văn học Huế
Thuộc thế hệ sinh ra và trưởng thành sau 1975, nhà thơ Đông Hà chia sẻ: “Mỗi thế hệ có một vai trò lịch sử khác nhau, thế hệ các nhà văn nhà thơ đi trước đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Thế hệ mới hôm nay vẫn đang nỗ lực để đi tiếp con đường đang có và khai phá thêm những cung đường mới mẻ như một khám phá kì thú trên hành trình của nghệ thuật. Với cốt cách trầm tĩnh sâu lắng của con người Bình Trị Thiên, đặc biệt là con người cố đô, tôi nghĩ rằng sẽ đến một lúc nào đó, văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên sẽ đột khởi bất ngờ mà không cần ầm ĩ khua khoắng phô trương”.
Văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên cùng chụp ảnh lưu niệm
Đến ngày 30/6/1989, Bình Trị Thiên tách thành 3 tỉnh, văn nghệ sĩ từ đó tuy sinh hoạt ở các hội VHNT địa phương khác nhau, song cũng đã tiếp tục cống hiến cho nền VHNT nước nhà. văn nghệ sỹ từ đó tuy sinh hoạt ở các hội VHNT địa phương khác nhau, song cũng đã tiếp tục cống hiến cho nền VHNT nước nhà, tiếp tục quan tâm nhau trong cuộc sống cũng như trong lao động VHNT. Trong sinh hoạt, các văn nghệ sỹ vẫn thường gặp nhau ở các cuộc hội họp do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức, các cuộc hội thảo, triển lãm, giao lưu 6 tỉnh Bắc Trung bộ; các cuộc giao lưu thăm viếng lẫn nhau,...