Nhà văn Nguyễn Quang Hà, tên thật là Nguyễn Trọng Trường, sinh ngày 15/1/1941 tại Tỉnh Bắc Giang. Ông từng là giáo viên dạy cấp hai từ 1958 - 1967. Đầu năm 1967, ông giã từ bục giảng cùng 155 giáo viên và giáo sinh trường Sư phạm tỉnh Hà Bắc lên đường nhập ngũ đi chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên Huế... Và gắn bó với mảnh đất này từ đó cho đến bây giờ. Nhà văn Nguyễn Quang Hà nguyên là Tổng Biên tập tạp chí Sông Hương.
Đông đảo bạn bè và văn nghệ sĩ, công chúng yêu thơ đã đến tham dự buổi giới thiệu tác phẩm
Nguyễn Quang Hà viết đều cả thơ, tập truyện ngắn, ký sự và tiểu thuyết. Hầu hết những tác phẩm của Nguyễn Quang Hà đều viết về chiến tranh, viết về miền đất và con người xứ Huế - nơi ông đã sống, chiến đấu thời tuổi trẻ và bây giờ Huế là quê hương thứ hai của ông.
Nguyễn Quang Hà là một trong không nhiều những nhà văn đương đại Việt Nam có số lượng tác phẩm xuất bản nhiều nhất. Sức đi và sức viết của ông có thể nói là đáng nể và đáng phục, đáng được xem là bài học kinh nghiệm cho những ai muốn khẳng định sự nghiệp văn chương của mình trên hành trình sáng tạo nghệ thuật gian nan và đầy thử thách.
Nhà thơ Lê Vĩnh Thái - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Sông Hương - phát biểu tại buổi giới thiệu
Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm, trong đó có một số tác phẩm nổi bật như Thời tôi mặc áo lính (1990); Sông dài như kiếm (2002); Tiếng gà trên điểm chốt (1976); Tiếng thở dài của đất (2006); Thân Trọng Một, con người huyền thoại (2003); Vùng Lõm (2012).
Gần nửa thế kỷ liên tục sáng tạo, Nguyễn Quang Hà đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá do các Tổ chức văn học uy tín trao tặng như: Giải A bút ký báo Văn nghệ - Đài Tiếng nói Việt Nam (1984), Giải B bút ký báo Văn nghệ 1987, Giải nhì bút ký báo Văn nghệ (1986), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003 và năm 2013.
Về thơ, Nguyễn Quang Hà có thơ đăng báo Cờ Giải phóng vào năm 1968, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 1969. Những bài thơ ông viết nóng hổi không khí chiến đấu. Những tập thơ của ông được đông đảo bạn đọc biết đến như Tiếng gà trên điểm chốt (1976), Miền gió hoang vu (2000).
Bìa tác phẩm
Gửi em cô gái đỏng đảnh là tập thơ thứ ba của nhà văn Nguyễn Quang Hà. Tập thơ do NXB Hội Nhà văn ấn hành, gồm 138 trang, trong đó có 54 bài thơ, 07 bài thơ phổ nhạc, và 02 bài phê bình về thơ Nguyễn Quang Hà.
Nhà thơ Mai Văn Hoan chia sẻ: "Nói theo kiểu Nguyễn Tuân thì Nguyễn Quang Hà đi bằng hai chân. Chân phải là văn xuôi. Chân trái là thơ."
Nhà thơ Hồ Thế Hà, khi đọc tập thơ Gửi em cô gái đỏng đảnh đã nói rằng: "Tập thơ Gửi em cô gái đỏng đảnh có thể xem là chứng chỉ tâm hồn lãng mạn và trữ tình đắm đuối của một hồn thơ tự vỡ, tự trẻ lại trước những khoảng lặng sâu thẳm của trái tim đa tình, dại ngộ, nhưng rất đỗi tin yêu và nồng thắm của người thơ trước tình yêu, trước những rung cảm lặng thầm. Tập thơ được cấu trúc song hành hai chủ đề: tình yêu mộng ảo và nỗi niềm nhân thế."
Nhà thơ Lê Viết Xuân tại buổi giới thiệu tác phẩm "Gửi em cô gái đỏng đảnh"
Nhận xét về thơ Nguyễn Quang Hà, nhà thơ Lê Viết Xuân chia sẻ: "Thật và ảo, đam mê và say đắm là mạch nguồn cảm hứng sáng tạo luôn ẩn hiện trong thơ tình của Nguyễn Quang Hà với cái nhìn trực quan cụ thể, nhưng tinh tế và linh hoạt. Từ: Gửi em cô gái đỏng đảnh, Tan, Bối rối, Bồng bềnh, Hòn trống mái, Quảng Bình, Má hồng Đà Lạt, Hoa Bìm ở Sa Huỳnh, Xin lỗi Quy Nhơn... đến những bài thơ đầy ấn tượng viết về Tây Bắc như: Uống rượu trên bản Mèo, Nhớ Tây Bắc... đều thể hiện rất rõ và nhất quán mạch nguồn cảm hứng sáng tạo ấy."
Một số hình ảnh tại buổi giới thiệu tác phẩm:
Tặng hoa chúc mừng nhà thơ Nguyễn Quang Hà
Nghệ sĩ Diệu Bình diễn ngâm bài thơ "Tổ quốc" của nhà thơ Nguyễn Quang Hà
Nhà thơ Quốc Lương (CLB thơ Sông Bồ) diễn ngâm bài thơ "Con còng gió"
Nhạc sĩ Phương Tài (Đà Nẵng) đã trình bày ca khúc được phổ nhạc từ thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Hà
Nhà thơ Lâm Vũ Nhi (CLB thơ Sông Bồ) với tham luận "Tính trữ tình trong Gửi em cô gái đỏng đảnh"
Quỳnh Chi