Huế 24h
Lễ dựng nêu Xuân Canh Tý 2020
15:37 | 17/01/2020
Theo thông lệ hàng năm, vào ngày 23 tháng chạp Âm lịch, lễ dựng nêu tại Hoàng cung Huế được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng và tổ chức để báo hiệu ngày Tết đã đến. 
Lễ dựng nêu Xuân Canh Tý 2020
Tái hiện nghi lễ dựng nêu tại Đại Nội Huế

Sáng 17/01, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ Dựng nêu tại 3 địa điểm: Triệu Tổ Miếu; Hiển Lâm Các – Thế Miếu, Đại Nội Huế và Điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, số 3 Lê Trực, thành phố Huế).

Trên cơ sở chất liệu cung đình, Trung tâm đã xây dựng một kịch bản có tính nghi thức về dựng nêu trong chốn hoàng cung, nhằm tạo nên một sinh hoạt có tính điểm nhấn, đồng thời tạo ra không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên đán.
 
 
Từ cửa Hiển Nhơn, nghi thức rước nêu được tổ chức trang trọng. 10 lính vác nêu trong trang phục chỉnh tề. Đội rước nêu khởi hành trong âm thanh của tiểu nhạc tiến vào Hoàng Cung, đến Triệu Tổ Miếu, cửa chính của khu vực Thế Miếu và tiến hành nghi thức dựng nêu. Tại Triệu Miếu (năm nay 2019), Thế Miếu, hương án, lễ phẩm cùng đội Đại nhạc và các bồi tự đã chờ sẵn. Nghi thức thướng nêu (tức là dựng nêu) được cử hành nghiêm trang. Các nghi thức lễ như nghinh thần, khánh hạ được cử hành trong âm thanh của Đại nhạc. Sau phần lễ, 10 lính vác nêu đã tiến hành dựng nêu lên.
 
Sau Triệu Miếu, Thế Miếu, lễ dựng nêu cũng sẽ được tổ chức tại điện Long An, diễn ra từ ngày 23 tháng Chạp đến mồng 6 Tết Nguyên đán. Du khách và người dân đến với di tích cố đô Huế những ngày này sẽ được chứng kiến một nét đẹp văn hóa của người Việt đang được duy trì và tiếp nối trong đời sống hôm nay.
 

Cây nêu là cây tre già dài hơn 15 mét, do các lính vệ vác, cùng đội nghi thức và ban lễ nhạc cung đình rước từ cửa Hiển Nhơn về dựng trước Triệu Tổ Miếu, Đại Nội Huế
 
Hình ảnh cây nêu từ bao đời nay đã được coi là biểu tượng thiêng liêng nhất của ngày Tết Nguyên đán đối với người dân Việt, gắn liền với một sự tích huyền thoại mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Ngày xuân dựng nêu để mong muốn những điều tốt đẹp cho một năm mới đang tới. Hình ảnh cây nêu vươn mình đón nắng xuân biểu thị cho sức sống xuân đang trỗi dậy trong mỗi người dân Việt. Đó là những ý nghĩa tốt đẹp mà tư xa xưa, ông cha đã truyền lại cho thế hệ con cháu hôm nay. Chính vì vậy, tại nhiều làng quê của Thừa Thiên Huế trong những những ngày giáp Tết, nhiều họ tộc đã tổ chức dựng nêu trước đình làng, trước sự chứng kiến của đông đảo con cháu trong làng. Nhiều địa chỉ văn hóa của Huế cũng đã phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống này bằng nghi thức dựng nêu được tổ chức trang trọng.
 
 
Lễ dựng nêu là một truyền thống rất lâu đời của người Việt Nam, những ngày đầu xuân mới điển lễ này thật sự đã tạo nên không khí vui tươi vào dịp Tết Nguyên đán. Không chỉ phổ biến ở cố đô Huế, khắp mọi miền đất nước ngày nay vẫn còn duy trì tục lệ này, đó thật sự là một đẹp trong truyền thống tâm thức người Việt.  
 
Ông Nguyễn Phước Hải Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - cho biết: "Lễ dựng nêu vừa được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế phục dựng có tính chất tái hiện, nhằm thể hiện tinh thần đầu năm mới của khu di sản, trở thành một tiết mục mà du khách có thể tương tác được. Do vậy trong lễ dựng nêu các tình tiết các nghi thức chúng tôi cững nghiên cứu trên các nghi tiết truyền thống của triều Nguyễn. Khác với lễ dựng nêu ở ngoài dân gian, lễ dựng nêu của trong cung triều Nguyễn các vị vua thường dùng lễ này để kết thúc công việc hành chính trong một năm và báo hiệu thời gian nghỉ Tết".
 
 
Quỳnh Chi

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng