Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh và 40 năm ngày mất của nhà thơ Thanh Hải, chiều 15/12, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã tổ chức chương trình kỷ niệm, với sự tham gia của gia đình, bạn bè và những người yêu mến nhà thơ Thanh Hải.
Nhà thơ Thanh Hải tên thật là Phạm Bá Ngoãn (1930-1980). Ông sinh ra và lớn lên tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Xuất thân trong một gia đình trí thức nghèo, cha làm nghề dạy học, mẹ làm nông dân, hai người em của ông đều là những người đóng góp cho cách mạng. Nhà thơ Thanh Hải năm 17 tuổi đã tham gia vào cách mạng ở khu vực huyện Hương Thủy và làm chính trị viên cho Đoàn văn công Thừa Thiên Huế.
Nhà thơ Lê Tấn Quỳnh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế - phát biểu tại chương trình kỷ niệm
Trong những năm 1954 đến năm 1964, ông ở lại quê hương để hoạt động cách mạng và làm cán bộ tuyên huấn của tỉnh. Từ năm 1964 đến năm 1967, ông được đảm nhận để phụ trách báo Cờ giải phóng của Thành phố Huế. Sau đó, ông tham gia và làm Ủy viên ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, Chi hội phó Hội Văn nghệ Giải phóng Bình Trị Thiên.
Từ sau năm 1975, nhà thơ Thanh Hải giữ chức vụ Tổng thư ký hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, đồng thời là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Thanh Hải được biết đến là một trong những nhà thơ thắp lên ngọn lửa thi ca Cách Mạng trong lòng mọi người dân Miền Nam trong suốt những thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Sau thời hòa bình của đất nước, nhà thơ Thanh Hải sống vỏn vẹn 5 năm thì ông mắc phải căn bệnh xơ gan cổ trướng hiểm nghèo. Trong thời gian nằm viện, ông đã viết bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, đây là một trong những bài thơ được in trong tập Huế mùa xuân và được nhiều người biết đến. Ông qua đời vào 15/12/1980.
NSƯT Đình Trung diễn ngâm bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ"
Trong suốt thời gian 50 năm cuộc đời, nhà thơ Thanh Hải có tất cả cho mình là 5 tập thơ, gồm: Ánh mắt (1956); Người đồng chí trung kiên (1962); Huế mùa xuân (tập 1, tập 2, 1970 - 1972); Mùa xuân nho nhỏ (1980). Sau 2 năm ngày ông mất, tập thơ cuối cùng của ông được NXB Tác phẩm mới xuất bản năm 1982, trong tập thơ Mùa xuân đất này.
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ - người bạn tâm giao của nhà thơ Thanh Hải - chia sẻ những kỷ niệm với nhà thơ trong những năm tháng gian khó mà hào hùng ấy
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm phát biểu tại chương trình kỷ niệm
Tập thơ mà ông viết vào những năm cuối cùng của cuộc đời, ông viết với sự hối thúc bên trong, vì cái gọi là nghĩa tình sâu nặng với cuộc sống mà ông cảm thấy chân quý. Đặc biệt, vào năm 2010, được sự tài trợ của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Hội Nhà văn Việt Nam, NXB Thuận Hoá cùng với Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế vừa cho ấn hành “Tuyển tập Thanh Hải”. Đây là tuyển tập đầy đủ nhất của nhà thơ Thanh Hải, gồm toàn bộ tác phẩm chủ yểu của ông, từ thơ, trường ca, kịch thơ, văn xuôi.
Cô Nguyễn Thị Hiếu - con dâu nhà thơ Thanh Hải - cũng có những chia sẻ về cuộc đời nhà thơ
Với những đóng góp của ông cho nền văn học nước nhà, nhà thơ Thanh Hải đã được nhà nước phong tặng một số giải thưởng như: Giải Nhất cuộc thi thơ của tuần báo Thống nhất (1959). Giải Nhì cuộc thi thơ của tuần báo Thống nhất (1962); Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu năm 1965 và Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2000.
Nhà thơ Nguyễn Khắc Phê là người kết nối để Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế thực hiện chương trình đầy ý nghĩa này
Tại chương trình kỷ niệm, các văn nghệ sĩ Huế, người thân, bạn bè, cùng những người yêu mến thơ Thanh Hải đã có dịp nghe lại hai bài thơ nổi tiếng, tạo nên tên tuổi của nhà thơ như Mùa xuân nho nhỏ, Những con thuyền lênh đênh. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để các văn nghệ sĩ là bạn bè, tri kỷ của nhà thơ Thanh Hải như nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nhà văn Mai Văn Hoan... chia sẻ những kỷ niệm với nhà thơ, phát biểu về cuộc đời, sự nghiệp nhà thơ Thanh Hải với những đóng góp hàm chứa những giá trị nghệ thuật và lịch sử...
Quỳnh Chi