Hội nghị Tổng kết hoạt động Quỹ Hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT giai đoạn 2016 - 2020
Hoạt động hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật và Báo chí chất lượng cao, đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành từ năm 2004 và tiếp tục cho đến hôm nay. Chương trình hỗ trợ này được xem là nguồn động lực cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong cả nước nói chung và văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế nói riêng, nhằm nâng cao năng lực sáng tạo, góp phần một cách có hiệu quả trong công cuộc cùng với cả nước chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TT.Huế - Trưởng Ban Quản lý Quỹ Hỗ trợ sáng tạo - trình bày báo cáo tổng kết hoạt động quỹ hỗ trợ sáng tạo giai đoạn 2016 - 2020
Đến nay, chương trình hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật của Chính phủ đã trải qua 04 giai đoạn, 2 giai đoạn từ 2004 - 2006; 2007 - 2010, 2011 -2015 và 2016 -2020. Về tình hình chung, ở hai giai đoạn đầu (2004- 2006; 2007 - 2010), hoạt động hỗ trợ sáng tạo trong chừng mực, thiếu tính hệ thống và sự quán xuyến chung từ Trung ương đến các địa phương. Mặt khác, do nguồn kinh phí được hỗ trợ của thời kỳ này cho các địa phương cũng không nhiều, chính sách hỗ trợ còn nhiều hạn chế. Đến giai đoạn 2011 - 2015, từ những định hướng và chủ trương của Nghị quyết 23/NQ-TW, hoạt động hỗ trợ sáng tạo dần đi vào nề nếp. Từ năm 2016 cho đến nay, hoạt động hỗ trợ sáng tạo đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, tạo động lực sáng tạo cho văn nghệ sĩ tỉnh nhà.
Nghệ sĩ Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu tỉnh TT.Huế - trình bày tham luận của Hội Nghệ sĩ Sân khấu
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận, đóng góp ý kiến, kiến nghị để tiếp tục quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn quỹ hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật trong thời gian tới.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban Quản lý Quỹ hỗ trợ sáng tạo, khi đánh giá tình hình hoạt động của Quỹ trong giai đoạn vừa qua đã khẳng định, hoạt động hỗ trợ sáng tạo đã dần đi vào nề nếp, mang lại những hiệu quả tích cực. Giai đoạn qua, Trung ương có thông báo nguồn kinh phí được hỗ trợ cho cả giai đoạn cho các địa phương; có tổ chức tập huấn cho các bộ máy quản lý (Chủ tịch, Chánh Văn phòng, phụ trách Kế toán) của các Hội chuyên ngành Trung ương và các Hội VHNT địa phương vào đầu giai đoạn; có hướng dẫn xây dựng quy chế từ cấp Trung ương đến địa phương; tính nội dung, đề tài để hỗ trợ sáng tạo có định hướng cụ thể. Bên cạnh đó, Trung ương còn thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành để chấn chỉnh, uốn nắn việc thực hiện Quỹ hỗ trợ sáng tạo tại nhiều địa phương... Trên cơ sở đó, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế kể từ khi tiếp nhận nguồn Quỹ hỗ trợ sáng tạo của Chính phủ đã triển khai một cách nghiêm túc và có hiệu quả thiết thực.
NSNA Đặng Văn Trân - Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế - trình bày tham luận
Giai đoạn vừa qua, Ban điều hành quản lý Quỹ hỗ trợ sáng tạo của Liên hiệp các Hội VHNT đã triển khai thực hiện nghiêm túc quy chế. Căn cứ vào thực tế của từng hội chuyên ngành để có sự phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ tương đối hợp lý, được đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương đánh giá sử dụng nguồn quỹ hỗ trợ sáng tạo đúng mục đích và hiệu quả. Đồng thời, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật đã kích thích nguồn năng lượng sáng tạo cho hội viên và tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ say mê sáng tạo. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ sáng tạo cho tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế đã bổ khuyết những thiếu thốn, khó khăn trong cơ chế thị trường đang dần chi phối cũng như cản trở những hoạt động nghệ thuật. Về mặt chất lượng, trong số những tác phẩm được hỗ trợ sáng tạo thời gian qua, nhiều tác phẩm, công trình được nhận giải thưởng hàng năm của Liên hiệp hội, từng đạt giải thưởng VHNT Cố đô, giành được các giải thưởng của các hội chuyên ngành Trung ương.
Nhạc sĩ Lê Chí Quốc Anh - Chủ tịch Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế - trình bày tham luận tại Hội nghị tổng kết
Nhà thơ Đặng Văn Sử trình bày tham luận của Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế
Về những đề xuất, kiến nghị để tiếp tục phát huy tối đa hiệu quả của việc quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, Ban Quản lý Quỹ đã đề xuất tổ chức hội thảo về hoạt động của Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật có quy mô cả nước. Qua đó, các hội địa phương có thể thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc điều hành, quản lý Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật, tạo sự đổi mới, đột phá, chủ động cùng với các lĩnh vực khác để góp phần xây dựng và phát triển đất nước; Đề nghị cập nhật thông tin, chính sách cũng như đăng tải các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật trên Trang thông tin điện tử Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam, Diễn đàn Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam để Ban Quản lý Quỹ các Hội địa phương nắm bắt kịp thời các thông tin, chính sách và tham gia các sinh hoạt chuyên môn; Bổ sung và hoàn thiện hệ thống Quy chế quản lý, sử dụng nguồn Hỗ trợ sáng tạo của Chính phủ trong giai đoạn mới, lấy đó làm cơ sở để Ban Quản lý Quỹ các Hội địa phương thực hiện đúng chủ trương, chính sách và thuận lợi trong việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nguồn Hỗ trợ sáng tạo của địa phương trong giai đoạn 2020 - 2025; Đề nghị Ban Quản lý Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam bổ sung thêm kinh phí cho Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật cho trường hợp tỉnh Thừa Thiên Huế...
Quỳnh Chi