Sáng 15/1, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam và Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế dã tổ chức tọa đàm khoa học "Vương triều Nguyễn với di sản Phật giáo", thu hút nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, phật tử.
Kể từ khi Đoàn quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm đất Thuận Hóa năm 1558 thì Phật giáo Đại Việt đã có hơn 250 năm hiện diện và phát triển trên mảnh đất này, nếu tính từ năm 1306, khi hai châu Ô - Rí chính thức được sáp nhập vào bản đồ Đại Việt. Với nhãn quan nhạy bén và sự thành tâm của mình, ngay từ buổi đầu, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cũng như các đời chúa Nguyễn về sau đã nhận thức rõ Phật giáo chính là nền tảng tinh thần của người dân Đại Việt xứ Đàng Trong, là sợi dây kết nối hữu cơ đối với cư dân tiền trú trên phương diện văn hóa - tín ngưỡng, từ đó họ đã giương cao ngọn cờ Phật giáo để mở mang bờ cõi, xây dựng cơ nghiệp, mưu cầu hạnh phúc cho người dân.
PGS.TS Bửu Nam nói về "Vương Triều Nguyễn với di sản văn hóa Phật Giáo (Trong mối quan hệ sắc không của Lịch sử)"
Do vậy, nói đến mối nhân duyên giữa Phật giáo với Vương triều Nguyễn, tất nhiên không chỉ giới hạn trong khoảng thời gian kể từ khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802 đến lúc vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945, mà trước hết, phải xét đến công đức hộ trì Phật giáo trong suốt hơn 200 năm của 9 đời chúa Nguyễn, kể từ năm 1558 đến năm 1774. Cho đến hôm nay, vẫn còn lưu dấu trên các minh văn bia ký, mộc bản, điển tịch cổ, hoành phi đối liễn và nhiều loại hình di sản Phật giáo trân quý khác, hiện vẫn còn được bảo lưu trong các ngôi chùa từ miền Trung đến tận vùng cực Nam của đất nước.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã phần nào được làm rõ Phật giáo dưới triều Nguyễn - bao gồm thời các chúa Nguyễn và các vua Nguyễn về sau, với tiến trình lịch sử trải dài hơn 360 năm. Đây là bước khởi đầu cho những cuộc tọa đàm và hội thảo về sau, theo từng chủ đề chuyên biệt, trên tinh thần hợp tác giữa các đơn vị từ buổi tọa đàm ngày hôm nay.
Quỳnh Chi