Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của hoàng đế Gia Long (19 tháng Chạp năm Kỷ Mão), chiều 31/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khai mạc trưng bày về hoàng đế Gia Long tại điện Long An, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Không gian trưng bày đã giới thiệu đến công chúng tổng quan về thân thế, sự nghiệp và những công lao, đóng góp của vị vua đầu triều với công cuộc kiến thiết, bảo vệ đất nước thông qua một số cổ vật và một số hình ảnh tài liệu châu bản, mộc bản có liên quan. Bên cạnh đó, một phần không gian trưng bày đã giới thiệu về những giá trị cảnh quan sinh thái ở khu lăng tẩm của hoàng đế và thành viên hoàng gia.
Hoàng đế Gia Long tên thật là Nguyễn Phúc Ánh, sinh ngày 15 tháng Giêng, Nhâm Ngọ (8/02/1762), mất ngày 19 tháng Chạp, Kỷ Mão (03/02/1820), là con trai thứ ba của hoàng tử Nguyễn Phúc Luân và bà Nguyễn Thị Hoàn. Ông là người có công sáng lập nên triều đại nhà Nguyễn, thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ, đặt quốc hiệu Việt Nam, kiện toàn bộ máy từ trung ương đến địa phương, đặt nền móng việc phát triển kinh tế, luật pháp, văn hóa, xã hội... bằng nhiều hoạt động và chính sách cụ thể, xây dựng kinh đô Huế và tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Một số hình ảnh hiện vật trưng bày tại triển lãm:
Phiên bản mộc bản sách "Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ", quyển 23, mặt khắc 13, với nội dung: "Hoàng đế Gia Long đổi quốc hiệu nước ta là Việt Nam vào năm Giáp Tý (1804)"
Phẩm sơn (bia định vị trí đứng chầu) của quan Chánh Tam phẩm
Dĩa sứ, vẽ tích Bá Nha gặp Tử Kỳ với hai câu thơ: "Tơ đồng nhẹ nhàng gảy/ Lưu thủy gặp tri âm"
Kim bảo "Quốc gia tín bảo" phiên bản bằng gốm mạ vàng (1802)
Lư xông trầm bằng đồng dùng trong lễ tế Giao (niên đại: thời Nguyễn 1802 - 1845)
Quỳnh Chi