Chiều 2/2, nhân kỷ niệm 200 năm ngày hoàng đế Minh Mạng lên ngôi (mồng 1 tháng Giêng năm Canh Thìn), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khai mạc triển lãm về hoàng đế Minh Mạng tại Ngọ Môn (Hoàng Thành Huế) nhằm tưởng nhớ, tôn vinh và khẳng định những đóng góp to lớn của vị hoàng đế anh minh đối với lịch sử dân tộc.
Triển lãm đã giới thiệu đến công chúng một số cổ vật đời Minh Mạng được lựa chọn từ các sưu tập của Bảo tàng, như đồ tự khí, vật dụng sinh hoạt hàng ngày hoặc trong công việc triều chính,... kết hợp với một số hình ảnh tư liệu mộc bản, châu bản phản ánh rõ nét công cuộc cải cách đất nước, giữ vững và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Ông Nguyễn Phước Hải Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - phát biểu khai mạc triển lãm
Hoàng đế Minh Mạng (1791 - 1841) húy Nguyễn Phúc Đảm, là con thứ 4 của Thế Tổ Cao Hoàng đế Gia Long và Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang. Là người thông minh, quyết đoán, tinh thông Nho học, hoàng đế Minh Mạng đã đưa nước ta trở thành một quốc gia hùng mạnh với lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử dân tộc nửa đầu thế kỷ XIX.
Trong 20 năm tại vị, hoàng đế Minh Mạng đã thực thi nhiều chính sách quan trọng trên nhiều lĩnh vực: cải cách hành chính từ trung ương đến địa phương, tổ chức lại quân đội, thống nhất đơn vị đo lường và y phục; đồng thời chú trọng việc khai hoang, lập ấp, thủy lợi nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp; duy trì và phát triển nền giáo dục khoa cử kết hợp với huấn luyện võ nghệ để tuyển chọn nhân tài, giữ vững chủ quyền đất nước ở đất liền và biển đảo.
Hoàng đế Minh mạng đã để lại một di sản vật chất và tinh thần to lớn mà nhiều bộ phận trong đó đã trở thành di sản của dân tộc và của nhân loại như: các công trình kiến trúc, âm nhạc cung đình, các loại tài liệu mộc bản, châu bản, thơ văn chạm khắc trên kiến trúc cung đình Huế... Ngoài ra, hoàng đế Minh Mạng là người có công rất lớn trong việc hoàn thiện quy hoạch tổng thể Hoàng thành Huế, trong đó có công trình Ngọ Môn và điện Thái Hòa.
Một số hình ảnh trưng bày tại triển lãm:
Lư xông trầm pháp lam (trái) và Đỉnh trầm pháp lam (phải)
Lư xông trầm bằng đồng
Nghê bằng đồng được đặt ở hai bên gian giữa các miếu thờ của hoàng gia triều Nguyễn, để xông hương vào các dịp cúng tế
Bản tấu ngày 23 tháng 3 năm Minh Mạng thứ 19 (1838) của quan Khâm Thiên Giám về việc sử dụng quốc hiệu Đại nam vào việc in sửa lịch Hiệp kỷ dùng ban cấp cho quan chức trong kinh ngoài trấn để trọng quốc thể
Quỳnh Chi