Huế 24h
Lấy ý kiến cộng đồng về phương án tu bổ tổng thể điện Thái Hòa
09:11 | 24/02/2021
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về phương án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa. Trước đó, cuối tháng 1.2021, đơn vị này cũng tổ chức khảo sát và lấy ý kiến các nhà quản lý, đơn vị chuyên môn và nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử về việc thực hiện dự án này.
 
Lấy ý kiến cộng đồng về phương án tu bổ tổng thể điện Thái Hòa
Điện Thái Hòa là nơi từng diễn ra những sự kiện sinh hoạt chính trị quan trọng dưới triều Nguyễn
Điện Thái Hòa thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1993, cũng là di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Hiện nay, di tích ngày càng xuống cấp nghiêm trọng cả về mặt bảo tồn, kết cấu công trình, kỹ thuật hạ tầng và cảnh quan môi trường do nhiều nguyên nhân. Đặc biệt, sau cơn bão số 5 vào tháng 9.2020, một phần tường đầu đốc và mái chính điện phía Tây của công trình bị sụp, các vị trí khác bị nứt gãy nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào…
 
Theo dự kiến, tổng mức đầu tư dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa khoảng 150 tỷ đồng, do Trung tâm làm chủ đầu tư, trong đó 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Dự án gồm các hạng mục: Tu bổ tổng thể sân Đại Triều Nghi (tầng 1 và tầng 2), điện Thái Hòa, tôn tạo hạ tầng kỹ thuật, tôn tạo cảnh quan. Tổng diện tích thực hiện dự án là 7.100m2, trong đó khuôn viên di tích điện Thái Hòa có tổng diện tích là hơn 4.851m2.
 
Theo phương án lấy ý kiến cộng đồng, sẽ tái hiện không gian và các công trình kiến trúc của điện Thái Hòa thời vua Minh Mạng (1820 - 1840) và kế thừa những thay đổi qua các đợt trùng tu từ năm 1833 - 1945 vẫn còn hiện hữu. Trong đó, nền lát gạch hoa xi măng được tu bổ dưới thời vua Thành Thái năm 1899; làm thêm hệ mái lưa ở mặt phía Bắc và phía Nam, sơn thếp và trang trí mái, nội thất được tu bổ dưới thời vua Khải Định; ngói lợp lựa chọn phục hồi ngói ống lưu ly theo quy chế của triều Nguyễn đã hiện diện suốt 90 năm từ thời vua Minh Mạng đến thời Duy Tân, mang giá trị nhận diện ngôi điện trong tổng quan của Đại Nội Huế cũng như đảm bảo sự bền vững của công trình.
 
 
Theo Th. Nguyên - Đại biểu Nhân dân
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng