Huế 24h
Đại hội lần thứ I Chi hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế (nhiệm kỳ 2021 - 2024)
09:22 | 30/03/2021

Sáng 30/3, tại huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), đã diễn ra lễ ra mắt và Đại hội lần thứ I của Chi hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế (nhiệm kỳ 2021 - 2024).

Đại hội lần thứ I Chi hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế (nhiệm kỳ 2021 - 2024)
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Chi hội trưởng Chi hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam tại Huế - trình bày báo cáo đại hội
Đến tham dự đại hội, có ông Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, cùng đại diện các cơ quan ban ngành trong tỉnh và huyện A Lưới.
 
Tỉnh Thừa Thiên Huế đến nay có khoảng 55.000 bà con dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Bru Vân Kiều, Pa Hy, Hoa, Mường, Thái và Thổ sinh sống chủ yếu trên địa bàn 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới và một số huyện khác như Phong Điền, Hương Trà, Phú Lộc, thành phố Huế. Được sự quan tâm đầu tư, lãnh chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, bộ mặt miền núi và đời sống nhân dân ngày mỗi khởi sắc. 
 

Ông Nông Quốc Bình - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam - phát biểu tại đại hội
 
Công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm; một số ngành nghề truyền hống được phục hồi và phát triển, trong đó nổi bật là nghề dệt Dèng; nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng được đầu tư.
 
Trong nhiều năm qua, văn nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu Thừa Thiên Huế đã có ý thức sáng tác, sưu tầm văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Thừa Thiên Huế. Nhiều công trình đã ra đời, có giá trị cao. Trước ngày thống nhất đất nước tháng 4/1975, nhiều văn nghệ sĩ cả nước đã cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu với đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Thừa Thiên Huế để viết nên nhiều tác phẩm phản ánh cuộc sống đấu tranh cách mạng sôi nổi của đồng bào. Những tên tuổi lớn có thể nhắc đến như văn xuôi có Tô Nhuận Vỹ, Phan Cảnh Nhơn, Trần Vương (Trần Xuân Thế), Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Hà, Thanh Phong, Lê Dự, Trần Nguyên Vấn, Nghiêm Sỹ Thái, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Phá Nhạc, Nguyễn Văn Đồng, nhà viết kịch Nguyễn Tiến Trung... Thơ có Nguyễn Khoa Điềm, Vũ Ngàn Chi, Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân, Thanh Hải, Trần Vàng Sao, Hồ Ánh Kỷ, Quế Lâm...; Mỹ thuật có Lê Khánh Thông, Lê Minh Trường, Nguyễn Trung Bảy...; viết kịch và đạo diễn có Thanh Huyền; Âm nhạc có Trần Hoàn (Hồ Thuận An), Văn Dung, Thuận Yến; Văn công có diễn viên Thu Lưỡng, Phương Nhi, Ku Lai, dân tộc Pa Kô; Nhiếp ảnh có Trọng Thanh, Văn Thái...
 

Huyện ủy Huyện A Lưới tặng hoa chúc mừng đại hội
 
Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 05/QĐ-VNDT ngày 1/3/2021 của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, chính thức ra mắt với 06 hội viên, cụ thể như sau:
 
1. Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chi hội trưởng
2. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Sửu (Kê Sửu) - Chi hội phó
3. Nhà nghiên cứu Hồ Thị Tư (Ta Dưr Tư) - Ủy viên Ban Chấp hành
4. Nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong - Hội viên
5. Nhà nghiên cứu Lê Thị Quỳnh Tường - Hội viên
6. Nhà thơ Phạm Nguyên Tường - Hội viên
 
Trong thời gian sắp tới, Chi hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam tại Huế sẽ tiếp tục phát triển hội viên cả về số lượng lẫn chất lượng, bồi dưỡng những nhân tố mới có năng khiếu sáng tạo văn học nghệ thuật, đặc biệt là các tác giả là người dân tộc thiểu sốtăng cường sáng tác, quảng bá tác phẩm; tăng cường các hoạt động liên quan đến nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa văn nghệ của đồng bào các dân tộc thiểu số; tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác VHNT...
 
 
Quỳnh Chi
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng