Đàn Xã Tắc nằm ở phường Thuận Hòa (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), được xây dưới thời vua Gia Long vào tháng 4/1806 để tế cúng thần đất (xã) và thần ngũ cốc (tắc).
Đây là một trong những di tích cung đình đặc biệt quan trọng của Cố đô Huế. Dưới thời nhà Nguyễn, được xếp cùng hàng với đàn Nam Giao và Ngũ miếu trong Hoàng thành (Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu và Phụng Tiên Miếu), công trình này là một trong những “Miếu Đàn” trọng yếu của triều đình và hoàng gia. Theo quy định của triều Nguyễn, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, nhà vua đích thân làm lễ tế Đàn Xã Tắc, những năm còn lại các quan đại thần thay nhau thực hiện công việc này.
Được tổ chức tái hiện lần đầu tiên vào năm 2008, từ đó đến nay, Lễ tế Xã Tắc được tổ chức hàng năm, trở thành một nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc nhân văn, một nghi lễ nông nghiệp lúa nước của nước nhà đang được gìn giữ và duy trì, trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Lễ tế Đàn Xã Tắc diễn ra trong hơn một giờ đồng hồ, được thực hiện trong không khí trang nghiêm, thành kính, với các lễ: Lễ Quán tẩy (rửa tay tẩy trần), Lễ Thượng hương (dâng hương), Lễ Nghinh trần (rước thần đến dự), Lễ Điện Ngọc bạch (dâng ngọc trắng), Lễ Truyền chúc (đọc chúc văn), Lễ Hiến tước (dâng rượu), Lễ Phú tộ (hưởng lộc), Lễ Triệt soạn (hạ cỗ), Lễ Tống thần (đưa tiễn thần) và Lễ Tư chúc bạch soạn (đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị).
Đàn Xã Tắc
Lễ tế nhằm mục đích đáp ứng nguyện vọng của người dân luôn mong mỏi được dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an, mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt, người dân có cuộc sống hạnh phúc, cơm no áo ấm.
Sau các nghi lễ, đông đảo người dân và khách du lịch đã dâng hương tại đàn Xã Tắc.
Quỳnh Chi