Huế 24h
"Giao thoa văn hóa Pháp - Việt" và giới thiệu tập sách “Hồi ký của một ông già Việt học”
08:42 | 16/04/2021

Chiều 15/4, Việp Pháp tại Huế đã tổ chức buổi nói chuyện với chủ đề “Giao thoa văn hoá Pháp - Việt” và giới thiệu tập sách “Hồi ký của một ông già Việt học”. 

"Giao thoa văn hóa Pháp - Việt" và giới thiệu tập sách “Hồi ký của một ông già Việt học”
Tại buổi toạ đàm, các diễn giả Đỗ Trinh Huệ và TS Trần Đình Hằng đã có những chia sẻ xoay quanh dấu ấn văn hoá Pháp trong văn học Việt Nam và giới thiệu công trình của L.Cadiere.
 
Mọi giao thoa, dù trong lĩnh vực văn hóa, thuở ban đầu đều có những đụng chạm; nhất là trong bối cảnh chính trị, xã hội giữa các dân tộc có nhiều điểm dị biệt, hoặc mang ít nhiều tham vọng với những góc độ tiềm ẩn. Tuy vậy, các giá trị nhân văn được xem như mẫu số chung của nhân loại là chất xúc tác hàn gắn và nối kết những dị biệt, tương tác lẫn nhau, cuối cùng thành hội lưu dòng chảy, phát sinh những giá trị mới đầy tích cực.
 
Không có mô tả.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
 
Với sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam, một nền giáo dục mới được tiếp cận. Trí thức Việt Nam tiếp thu những ý tưởng tích cực mới lạ và những tuyệt tác văn học của Pháp đang chiếm lĩnh một vị thế rất ngời sáng trong việc khai phóng con người. Truyện ngắn viết bằng xuôi bằng chữ Quốc ngữ theo mạch lạc tư duy ảnh hưởng văn hóa Pháp được khởi đầu vào năm 1887. Các tác phẩm văn học khác lần lượt ra đời, được thuần nhuyễn với những tinh hoa tiếp cận, trộn lẫn, thấm nhuần thành những hội lưu văn học với những sắc thái thuần Việt.
 

Bìa tập sách
 
Tọa đàm đã giới thiệu đến công chúng cuốn sách “Hồi ký của một ông già Việt học” gồm 4 phần: Thân thế và sự nghiệp của L. Cadiere; Ấn phẩm của L. Cadiere; Tâm thức tiếp cận của L. Cadiere với văn hoá, ngôn ngữ, tín ngưỡng và gia đình Việt Nam; Hồi ký của một ông già Việt học. Hai phần đầu cuốn sách giúp bạn đọc nắm được đầy đủ những điều cốt yếu nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của L. Cadiere. Phần 3 với những nghiên cứu của L. Cadiere được dịch giả Đỗ Trinh Huệ thống kê phân loại thành các mục Dân tộc học, phong tục tập quán, triết học, tín ngưỡng, tôn giáo – Văn hoá, văn minh, khảo cổ học, nghệ thuật – Địa lý tự nhiên, địa lý nhân văn, lịch sử, ký sự… Phần thứ 4, L. Cadiere chủ yếu ghi lại quá trình học và nghiên cứu tiếng Việt của ông qua các vùng đất miền Trung về đời sống xã hội, tự nhiên.
 
Qua cuốn sách mà dịch giả Đỗ Trinh Huệ đã biên dịch gần như trọn vẹn, chúng ta sẽ thấy toàn cảnh xã hội vào một giai đoạn khá dài tạo thành một mảng trầm tích quá khứ, vô hình tiếp nối qua các thế hệ dưới nhiều dạng thức biến đổi khác nhau, tùy vùng, tùy miền, tùy nguồn giáo dục ấp ủ tạo thành, hoặc môi trường sống từng nơi mà không ngừng biến thái nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của lớp trầm tích nuôi dưỡng; từ cấu trúc xây dựng cho thế giới người sống, cho đến nơi an nghỉ của người quá cố, đều có một nét hài hòa không phân biệt âm dương mặc dầu sống chết là hai thực tại khác biệt, quả như có người nước ngoài đã ghi nhận khi thăm lăng tẩm ở Huế “nơi đây cái chết mỉm cười”… một nơi để “trở về” chứ không phải đất khách.
 
 
 
Quỳnh Chi
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng