Với chủ đề "Hàm Nghi - nhà vua bị lưu đày, nghệ sĩ tạo hình Tử Xuân ở Alger", sáng 03/8, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao thành phố Huế đã diễn ra buổi tọa đàm do Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế và Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế tổ chức.
Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của vua Hàm Nghi (03/8/1871 - 03/8/2021), buổi tọa đàm đã thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa trong và ngoài nước như dịch giả Bửu Ý, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Tiến sĩ Bửu Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung, nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng, họa sĩ Phan Thanh Bình... Ngoài các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, nhiều người am hiểu về cuộc đời và lăng mộ vua Hàm Nghi ở Pháp cũng đóng góp nhiều thông tin, hình ảnh quý giá về 55 năm cuộc đời bị lưu đày (1889 - 1944) và mất ở Alger của vua Hàm Nghi.
Chân dung tự họa của Vua Hàm Nghi (1896)
Buổi tọa đàm đã tập trung vào 5 chủ đề chính sau: Đời sống của vua Hàm Nghi trong những năm tháng lưu đày; Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của vua Hàm Nghi; Đính chính những thông tin thiếu chính xác về cuộc đời vua Hàm Nghi và các thành viên trong gia đình; Đề nghị mở các tour du lịch tham quan mộ vua Hàm Nghi, các cung, phủ vua chúa ở Huế; Thông báo thêm thông tin về việc rước hài cốt vua Hàm Nghi về nước.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, vua Hàm Nghi là vị vua có tinh thần yêu nước quật cường, thời gian đầu khi bị lưu đày, nhà vua không chịu học tiếng Pháp, ông cho rằng tiếng Pháp là thứ tiếng của dân tộc đã cướp nước An Nam, mọi việc giao tiếp đều có thông ngôn. Ông thường tập đi xe đạp, học vẽ, chụp ảnh để khuây khỏa nỗi lòng nhớ nhà, nhớ nước. Về sau khi tiếp xúc với nhiều người, gặp nhiều người Pháp tốt, nhà vua nhận ra không phải người Pháp nào cũng là kẻ thù và ông mới chịu theo học tiếng Pháp đến mức thông thạo. Nhiều trí thức, quan chức cao cấp của Pháp rất nể trọng tinh thần yêu nước và phong cách sống phương Đông của ông.
Trong những năm tháng bị lưu đày nơi xứ người, thú vui chụp ảnh, vẽ tranh đã trở thành nguồn vui, nguồn sáng tạo của vua Hàm Nghi, và đó cũng chính là tài sản quý giá nhất mà nhà vua để lại cho con cháu, cho đời sau. Công chúa Như Lý, con gái của vua Hàm Nghi, trong một lần trò chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã cho biết: "Vua Hàm Nghi vẽ rất nhiều tranh. Gia đình chưa bao giờ bán tranh của vua Hàm Nghi cả. Tuy nhiên, công chúa Như Mai gặp lại những người đã từng yêu mến vua Hàm Nghi, bà thường lấy tranh của vua cha tặng cho họ để kỷ niệm".
Bức Chiều tà của vua Hàm Nghi được bán đấu giá tại Paris năm 2010
Với bút danh Tử Xuân, nhà vua nghệ sĩ Hàm Nghi cùng với họa sĩ Lê Văn Miến (1873 - 1943) được xem là hai người Việt đầu tiên đi vào hội họa sơn dầu theo phong cách phương Tây. Và trong các tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi, bức tranh được nhiều người biết đến nhất là bức tranh mang tên "Chiều tà" (Déclin du Jour), được vẽ trong thời gian ông bị thực dân Pháp bắt đi lưu đày ở Bắc Phi. Nhà vua cũng đã từng tổ chức 3 lần triển lãm tại Paris, Pháp.