Mặc dù ít ai ngó ngàng tới, lăng Gia Long gần như bị bỏ quên giữa không gian núi rừng tĩnh mịch, điều này hình như vị vua xưa đã tiên liệu, bởi chính bản thân ông muốn thế chăng?! Ông muốn sống gửi, thác về khi quy tiên về với các bậc tiên tổ, cuộc sống trần tục chẳng còn chút vấn vương, để khi sang thế giới bên kia, ông lại tiêu dao trên khắp các ngọn đồi, trái núi để được bầu bạn cùng với hoa lá, chim muông.
Ông yên tâm, tĩnh tại chìm vào giấc ngủ ngàn thu mà người hậu sinh sau này không gây ồn ào, huyên náo. Bởi cả cuộc đời ông là cuộc đời của phong ba, bão táp, của chuyến tàu định mệnh với những va đập liên hồi. Cuộc đời vị vua đầu triều nhà Nguyễn cho đến ngày nay các bậc trí giả, các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn nâng lên, đặt xuống những nhận định khác nhau giữa công và tội?!
Sách sử có ghi: “Là con của nhị hoàng tử Nguyễn Phúc Luân, cháu nội của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, sinh ra trong nhung lụa nhưng Phúc Ánh phải trải qua thời thơ ấu và niên thiếu cực kì gian khổ”. Vì ông sinh ra trong thời loạn, trong bối cảnh gia tộc li tán tang thương, cha bị nhốt trong nhà ngục, đến khi thả ra thì về nhà là mắc trọng bệnh rồi mất. Cuộc tranh giành quyền lực giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, nhân dân Đàng Trong sống trong cảnh sưu cao thuế nặng, năm Quý Tỵ 1773, ba anh em nhà Tây Sơn đứng lên cầm cờ khởi nghĩa Phú Xuân. Sự nghiệp gần 200 năm của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong chấm dứt.
Năm đó, Phúc Ánh mới là cậu bé 13 tuổi. Cả một hành trình gian nan giành lại cơ đồ và đã có những lần ông phải lân la cầu viện ngoại bang nước Xiêm, hoặc nhờ nước Pháp để phục thù nhà Tây Sơn. Cuộc hành trình gian truân, vất vả đó kéo dài 25 năm trời ròng rã, đã có những thời gian ông phải sống lưu vong ở nước ngoài như 3 năm ở nước Xiêm, hay con trai mới lên 4 tuổi với người vợ đầu phải cho đi sang Pháp cùng với vị giám mục Bá Đa Lộc làm con tin để cầu viện trợ, nhiều năm chui lủi ở những hòn đảo xa tít tắp, sống một cuộc sống khổ sở với ý định quyết chí báo thù giành lại cơ nghiệp của tổ tông 9 đời chúa Nguyễn trước đây.
Năm 1787, triều đình Tây Sơn suy yếu do anh em tranh chấp ngai vàng quyền lực, nội bộ rối ren, nhân dân lại sống trong cảnh đất nước xáo trộn, binh biến liên miên, đến khi Vua Quang Trung Nguyễn Huệ lại đột nhiên băng hà năm 1792, con trai ông, Nguyễn Quang Toản mới 10 tuổi lên nối ngôi. Nguyễn Ánh lúc này hợp được binh hùng, tướng mạnh, từng bước nới rộng vòng vây liên tục chiếm đánh các vùng phía Nam.
Sau 25 năm long đong, vất vả mưu đồ cơ nghiệp lớn, tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh lấy được thành Phú Xuân, sửa lại Hoàng Thành, lập đàn tế lễ đất trời lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long năm thứ nhất. Năm Bính Dần 1806, Gia Long chính thức xưng đế tại điện Thái Hòa, đổi quốc hiệu là Việt Nam, cả đất nước đã thu về một mối sau hơn 300 năm chia cắt. Cũng ở trong thời gian này khu vực lãnh thổ được mở rộng, quần đảo và hải đảo được phân định rõ ràng. Vua Gia Long là người nhìn xa trông rộng, dưới thời ông rất chú trọng việc dùng binh thủy, thuyền bè được đóng và cải tiến rất nhiều.
Khi nhắm mắt quy tiên, ông đã chọn thế đất phong thủy được cho là cát tường. Ngoài ra, sợ sự báo thù của người đời sau, và mong muốn được linh hồn được tĩnh tại mà chuyển kiếp nên Thế Cao tổ Hoàng Đế Gia Long đã chọn một vùng núi rừng vô cùng âm u hẻo lánh, với một diện tích lớn trên núi bao gồm 42 quần thể núi lớn nhỏ được gọi chung là núi Đại Thiên Thọ để làm nơi chôn cất.
Ngày nay ngôi mộ ông được đặt gần kề người vợ đầu của ông là Thừa Thiên Cao Hoàng hậu trong khu đất với tên gọi là Thiên Thọ Lăng. Nhưng, sự thực, hài cốt ông được chôn đích xác ở đâu trong diện tích bao la thế này thì mãi mãi là một bí mật! Không chỉ có Thế Cao Tổ hoàng Đế Gia Long mà ngay cả quan tài con cháu nối ngôi ông là vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, vua Tự Đức vẫn là một vùng sâu của bí mật.
Vị vua đầu triều nhà Nguyễn đã quy tiên năm 1820 từ cách đây gần 200 năm trước đã phiêu diêu về miền cực lạc. Chiến trận, thế sự khi xưa đã lùi xa, quang cảnh núi rừng Thiên Thọ giờ đây yên ắng, tĩnh lặng như bao đời vẫn vậy chỉ có tiếng gió lao xao…
Theo Trần Mỹ Hiền - An ninh Thế giới