Huế 24h
Cửu đỉnh Huế trên hành trình đến di sản tư liệu thế giới
15:11 | 06/10/2021
Cửu đỉnh – Hoàng cung Huế gồm chín cái đỉnh đồng có tên gọi lần lượt là Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh, do vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837, được đặt ở trước sân Thế Tổ Miếu (Hoàng cung Huế) ngay từ khi ra đời cho đến hiện nay.
Cửu đỉnh Huế trên hành trình đến di sản tư liệu thế giới
Cửu đỉnh Huế
Vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh nhằm biểu thị sự trường tồn của triều đại nhà Nguyễn, sự giàu đẹp và thống nhất của đất nước Việt Nam. Giá trị của Cửu đỉnh được thể hiện ở trình độ đúc đồng tinh xảo của những người thợ thủ công ở Việt Nam. Với 162 họa tiết chạm khắc nhiều chủ đề khác nhau trên Cửu đỉnh, đây chính là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, tổng hợp của nhiều lĩnh vực kiến trúc, hội họa, lịch sử, địa lý, văn hóa và sự điệu nghệ của kỹ thuật đúc đồng, được thể hiện như một bộ “bách khoa thư” về đất nước Việt Nam thống nhất đầu thế kỷ XIX.  Cửu đỉnh – Hoàng cung Huế là bộ sưu tập độc đáo, độc bản và duy nhất ở Việt Nam và trên thế giới.
 
Cùng với ấn phẩm “Cửu đỉnh bách khoa thư độc đáo của Việt Nam đầu thế kỷ XIX” sẽ được xuất bản trong thời gian tới, bộ phim này giúp công chúng có thể ngược dòng về quá khứ nhìn lại hành trình mà Cửu đỉnh Huế được hình thành, cũng như đã vượt qua mọi thách thức của thời gian và thời cuộc để tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay. Giá trị của bảo vật quốc gia này đã vượt khỏi tầm vóc của quốc gia, của thời đại, xứng đáng trở thành di sản của nhân loại.
 
Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã hoàn thành hồ sơ Cửu đỉnh Huế  - Hoàng cung Huế, di sản tư liệu Ký ức thế giới và sẽ sớm trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét phê duyệt để đăng ký danh mục công nhận Cửu đỉnh là di sản tư liệu thế giới.
 
 
Theo thuathienhue.gov.vn
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng