Huế 24h
Người vẽ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng ánh sáng
14:53 | 26/10/2021

“Trước và trong quá trình thực hiện tác phẩm điêu khắc, mình luôn nghe những bài hát mà vị nhạc sĩ tài hoa này sáng tác. Bởi không chỉ hình hài, mình muốn thể hiện những xúc cảm sâu thẳm nhất trong trái tim dành cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”, Bùi Văn Tự nói.

Người vẽ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng ánh sáng
“Một cõi đi về” của cố nhạc sĩ tài hoa
“Đuổi hình, bắt bóng”
 
Là một kỹ sư xây dựng nhưng Bùi Văn Tự luôn dành tình yêu cho nghệ thuật điêu khắc ánh sáng. Kể về “duyên nghề” của mình, Tự cho biết: “Khi đang là sinh viên, mình đi làm thêm bằng cách dựng những hòn non bộ. Trong quá trình đó, mình phải học cách chiếu đèn để tạo điểm nhấn cho sản phẩm. Nào ngờ vào một ngày, bóng non bộ đổ lên tường lại tạo thành hình một chú gấu. Thế là mình nảy ra ý tưởng sáng tạo nên những sản phẩm điêu khắc từ phần bóng này”.
 
Chưa từng có tiền lệ, Bùi Văn Tự gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoàn thiện kỹ năng “đuổi hình, bắt bóng”. Trải qua rất nhiều thử nghiệm, từ một phương tiện để thể hiện niềm đam mê hội họa (phối hợp với công việc chính là kỹ sư xây dựng), Bùi Văn Tự quyết tâm theo đuổi bộ môn nghệ thuật mới lạ này. Anh chia sẻ: “Giữa muôn vàn nguyên vật liệu, mình chọn gỗ lũa và gốm để tạo nên tác phẩm. Bởi khi chưa chế tác, những nguyên vật liệu này đã khắc sâu dấu ấn của tự nhiên và con người”.
 

Hơi thở đời sống qua tác phẩm “Thiên thần đấu tranh với COVID-19”
 
Bám theo những câu chuyện về đời sống, văn hóa, lịch sử, những hình ảnh mà chàng trai người Hà Nội tạo nên đều mang hơi thở của ba thành tố thân, tâm, tuệ, tương ứng với ba công đoạn, cũng chính là ba kỹ thuật khác nhau. “Đó là kỹ thuật chế tác (ý tưởng và thiết kế sơ bộ); kỹ thuật tìm kiếm nguồn cảm hứng để chuyển tải sự rung động của trái tim, từ đó tạo nên linh hồn cho tác phẩm; kỹ thuật tư duy để thể hiện sự sáng tạo trên mỗi tác phẩm để cho ra bố cục hài hòa, logic giữa hình và bóng”, anh lý giải.
 
Sở hữu hàng chục tác phẩm điêu khắc ánh sáng, bỏ ra công sức từ nhiều giờ đến nhiều tháng để thực hiện, Bùi Văn Tự đã tạo ra cho mình một con đường đi riêng với những workshop và xưởng chế tác. Chẳng riêng những tác phẩm nghệ thuật giàu cảm xúc về chủ tịch Hồ Chí Minh, người mẹ Việt Nam hay huấn luyện viên Park Hang - seo, anh còn dành tình cảm ngưỡng mộ và chân thành với Cố đô Huế. Anh nói: “Huế là địa phương với cảnh vật, thiên nhiên và con người thơ mộng, hội tụ chiều sâu về văn hóa. Bởi thế mình đã có những dịp ghé thăm cũng như trải nghiệm phong phú về vùng đất này”.
 
Nặng lòng với Huế
 
Bén duyên với Cố đô cách đây 3 năm, anh kể: “Lúc ấy mình trưng bày tác phẩm hình ảnh chân dung đức Phật dựa trên phần hình là chiếc bình gốm đã bị vỡ. Đó là triển lãm sự ra đời của gốm Hương Sa, sự giao thoa tinh hoa làng nghề Bát Tràng và phù sa sông Hương, chất đất mịn ẩn trong mình tinh túy và chiều sâu văn hóa, lịch sử của Cố đô Huế”.
 

“Nàng thơ xứ Huế” qua tác phẩm của Bùi Văn Tự
 
Sau này, với những trải nghiệm riêng có, Bùi Văn Tự lại tiếp tục thực hiện những tác phẩm mang đậm dấu ấn miền Hương Ngự. Đó là chân dung Trịnh Công Sơn, cố nhạc sĩ tài hoa hay tác phẩm “Nàng thơ” lấy cảm hứng từ giai nhân xứ Huế. Không chỉ đơn thuần là sao y các chi tiết giải phẫu, anh phải thật sự tìm hiểu kỹ về đặc trưng, tính cách, con người mà bản thân muốn thể hiện.
 
“Bởi thế, trước và trong quá trình điêu khắc cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mình luôn nghe những bài hát do ông sáng tác để thấm hơn, bắt nhịp cảm xúc và thể hiện một cách chân thực nhất có thể. Vì mỗi tác phẩm hoàn thiện cũng là thành công của mình khi ngoài dáng vẻ, người xem có thể cảm nhận được nhịp đập của trái tim trong đó”, anh nói.
 
Ngoài tác phẩm “Nàng thơ”, trong thời gian tới, chùa Thiên Mụ hay Ngọ Môn cũng sẽ trở thành chủ đề mà Bùi Văn Tự tâm huyết chế tác, sáng tạo. Anh hứa hẹn: “Nhất định sẽ có nhiều dịp mình quay trở lại Huế để tham gia triển lãm và tìm kiếm nhiều hơn những cảm xúc, rung động sáng tác. Hơn hết, mình mong muốn tạo nên những tác phẩm độc đáo và giàu tính nghệ thuật để điêu khắc ánh sáng với những tầng nghĩa từ phần hình và bóng đến gần hơn với mọi người”.
 
Bài: MAI HUẾ
 
Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP
 
Theo Báo Thừa Thiên Huế Online
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng