Chiều 23/11, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế đã đến trao tận tay giải thưởng Sách Quốc gia lần 4-2021 cho gia đình nhà thơ Trần Vàng Sao.
Vừa qua, giới văn nghệ sĩ xúc động đón nhận tin vui tập thơ "Bài thơ của một người yêu nước mình" của nhà thơ Trần Vàng Sao, do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành, được trao Giải B Giải thưởng sách quốc gia 2021.
Giải B giải thưởng Sách quốc gia với giá trị hiện kim 45 triệu đồng, trong đó tác giả được trao 35 triệu đồng, nhà xuất bản được trao 10 triệu đồng. Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã dành tặng toàn bộ giải thưởng cho gia đình nhà thơ Trần Vàng Sao.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - khi viết lời tựa cho tập thơ đã viết rằng: "Thơ của Trần Vàng Sao là chính cuộc đời ông. Tôi luôn mang cảm giác ông không hề theo bất cứ một trường phái nào, không dùng bất cứ một kỹ thuật hay phép tu từ nào. Thơ ông hiện ra như chính áo quần ông, tóc tai ông, hơi thở ông, ánh mắt ông, giọng nói ông, cảm giác ông, mồ hôi ông, đau ốm ông, giận dữ ông, dày vò ông, tuyệt vọng ông, khát vọng ông... Và nhịp đập trái tim ông là thứ kỳ diệu nhất gắn kết toàn bộ những gì thuộc về ông để vang lên thành thi ca".
Trao giải thưởng cho đại diện gia đình nhà thơ Trần Vàng Sao
Tập thơ gồm 32 bài thơ, hầu hết được nhà thơ Trần Vàng Sao viết từ những năm thập niên 1960 - 1990. Đó là những năm tháng đầy khó khăn của đất nước và bản thân ông phải chịu nhiều đau đớn trước thời cuộc. Có những bài đã in trên một số báo và tạp chí, nhiều bài thơ công chúng ít biết đến, được gia đình lưu giữ, như: "Đồng chí", "Những ngày tôi còn nhỏ ở Vỹ Dạ", "Nhớ Ức Trai", "Khoảng trống ngoài sân khấu", "Mạ ơi", "Gọi tìm xác đồng đội", "Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình"…
Bìa tập thơ
Nhà thơ Trần Vàng Sao, tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941 ở thôn Vỹ Dạ, Huế. Ông từng tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên. Từ năm 1965-1970, ông lên chiến khu công tác tại Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế và bắt đầu nổi tiếng với bài thơ của một người yêu nước mình. Các bút danh ông từng dùng khi viết báo: Trần Sao, Nguyễn Thiết, Lê Văn Sắc. Năm 1970, ông ra miền Bắc và đến năm 1975 thì trở về Huế. Sau khi đất nước thống nhất (1975), Trần Vàng Sao trở về quê, công tác tại Phòng Văn hóa thành phố Huế, rồi làm chân giao liên của xã Hương Lưu (nay là phường Vỹ Dạ) cho đến khi nghỉ hưu năm 1984. Ông mất ngày 9/5/2018 tại thành phố Huế.
Quỳnh Chi