Huế 24h
Sẽ có nhiều hoạt động diễn ra trong Festival Huế 2022
20:49 | 01/01/2022

Nhằm tiếp tục phát huy thương hiệu Festival Huế, đa dạng hóa các loại hình tổ chức lễ hội, hướng đến sự tham gia của cộng đồng nhân dân; tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa công tác tổ chức các lễ hội trong Festival Huế, gắn hoạt động lễ hội với các sản phẩm du lịch, được sự đồng ý của ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Đề án Festival bốn mùa, tiến hành tổ chức Festival Huế theo định hướng bốn mùa lễ hội, bao gồm các lễ hội truyền thống từ cung đình, dân gian, tôn giáo, đến nghệ thuật đương đại, sự kiện thể thao, được trải dài trong năm, phù hợp với thực tế địa phương, thuận tiện cho du khách và công chúng tham gia.

Sẽ có nhiều hoạt động diễn ra trong Festival Huế 2022
Festival Huế 2022 mở đầu bằng buổi lễ tái hiện Lễ Ban Sóc triều Nguyễn
Các hoạt động Festival Huế 2022 với gần 50 sự kiện văn hóa được tổ chức liên tục, kéo dài trong năm do các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế thực hiện, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa vùng miền, quốc gia nhằm giao lưu, hợp tác văn hóa, tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố đô văn hiến với 07 di sản được UNESCO vinh danh để nhân dân và du khách vừa là người hưởng thụ vừa là chủ thể sáng tạo, quyết tâm xây dựng Huế thành thành phố Festival đặc trưng, là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam.
 
Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Festival Huế 2022 khởi động trong điều kiện khó khăn do tác động của đại dịch, tuy nhiên với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, cùng với sự quyết tâm của chính quyền các cấp, các ngành, sự chung sức, đồng lòng của doanh nghiệp và người dân, các hoạt động của Festival Huế 2022 nhất định sẽ được tổ chức thành công tốt đẹp.”
 
Festival Huế 2022 sẽ được tổ chức theo chuỗi các hoạt động lễ hội trải dài trong năm theo chủ đề Festival bốn mùa. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội dân gian, lễ hội cung đình được phân bố theo thời gian nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá, thưởng ngoạn của du khách. Các hoạt động sẽ diễn ra liên tục, kéo dài trong suốt năm mở đầu bằng Chương trình Khai hội - Lễ Ban Sóc ngày 01/01/2022 và kết thúc bằng Chương trình Countdown ngày 31/12/2022, với trọng tâm là các chương trình, lễ hội vào trung tuần tháng 4, từ ngày 09/4/2022 đến ngày 14/4/2022.
 
Cụ thể, các chương trình dự kiến sẽ diễn ra như sau:
 
Lễ hội Mùa Xuân “Sắc xuân giao hòa” (tháng 1-3) gồm:
 
Tháng 1:
 
- Chương trinh khai hội - Lễ Ban Sóc diễn ra vào ngày 01/01/2022. Địa điểm: Ngọ Môn.Nội dung: Tái hiện lễ ban Sóc (lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn) thông qua hình thức sân khấu hóa với những trình thức, nghi tiết thuở xưa của triều Nguyễn kết hợp với các hoạt động khai hội đầu xuân và lễ công bố chương trình Festival Huế 2022.
 
- Lễ Thướng Tiêu diễn ra vào ngày 25/01/2022 (23 tháng Chạp). Địa điểm: Triệu Miếu, Thế Miếu. Nội dung: Theo nghi thức của triều Nguyễn xưa, cây nêu ở Thế Tổ Miếu được dựng lên thì người dân xung quanh mới có thể bắt đầu dựng nêu báo hiệu ngày Tết.
 
Tháng 2:
 
- Lễ hội Đền Huyền Trân vào ngày 09/2/2022 (ngày 9 tháng Giêng âm lịch), tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân do Sở Văn hóa – Thể thao, Ban Quản lý Trung tâm Văn hóa Huyền Trân chủ trì thực hiện;
 
- Festival thơ Huế và các hoạt động trong khuôn khổ ngày Thơ Việt Nam: tổ chức vào dịp Tết Nguyên Tiêu và Ngày Thơ Việt Nam (ngày 12 và 13/2/2022) tại công viên Tứ Tượng
 
Ngoài ra, còn có các hoạt động hưởng ứng như Hội thảo “Vương triều Nguyễn - giai đoạn thiết lập và hưng thịnh”.
 
Tháng 3:
 
- Lễ hội Huế - Kinh đô ẩm thực diễn ra từ ngày 26/3 đến ngày 27/3/2022.
 
Nội dung: Tổ chức các không gian văn hóa ẩm thực Huế, các vùng miền, các châu lục; các hoạt động hội thảo, tọa đàm, talkshow với diễn giả khách mời trong nước và quốc tế, hội thi đầu bếp, trang trí món ăn…
 
- Lễ tế Xã Tắc diễn ra vào tháng 3/2022 (tháng 2 âm lịch)
 
- Các hoạt động nghệ thuật chào mừng ngày Giải phóng Huế 26/3 do Sở VHTT thực hiện
 
Và các hoạt động hưởng ứng gồm: Triển lãm “Chế độ y quan Triều Nguyễn”; Ngày hội dân vũ “flashmob” chào mừng ngày thành lập Đoàn TNCS HCM và ngày giải phóng Huế; Các hoạt động, lễ hội đặc trưng của các địa phương được tổ chức hàng năm.
 
Lễ hội Mùa Hạ (tháng 4 – 6): Festival Huế “Di sản văn hóa với Hội nhập và Phát triển” gồm:
 
Tháng 4:
 
- Lễ hội Điện Huệ Nam diễn ra vào ngày 2/4 và 3/4/2022 (tức ngày 2 và 3 tháng 3 âm lịch). Nội dung: Tái hiện và xây dựng một carnival dân gian độc đáo và có qui mô lớn nhất cả nước, phô diễn nét độc đáo trong trang phục cổ xưa đầy màu sắc, kết hợp với các hình thức diễn xướng, vũ điệu đặc trưng của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ.
 
- Chương trình “Đêm hội khai màn” diễn ra vào 20 giờ 00 phút, ngày 09/4/2022. Nội dung: chương trình mở màn cho chuỗi hoạt động Festival nghệ thuật đã được định vị của Huế, quy tụ các đoàn nghệ thuật đặc sắc của Huế, các đoàn, nhóm nghệ thuật và ca sĩ độc lập có tính đặc thù, có chất lượng nghệ thuật cao ở các vùng văn hóa của Việt Nam và quốc tế.
 
- Chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế: tại các sân khấu Đại Nội, Cung An Định và các sân khấu cộng đồng khác vào các ngày 10/4, 11/4, 12/4 và 13/4/2022
 
- Lễ hội Áo dài vào ngày 10/4/2022. Nội dung: Trình diễn áo dài nghệ thuật tại một trong các công trình kiến trúc của Huế, khẳng định giá trị thương hiệu Lễ hội Áo dài trong Festival Huế.
 
- Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” diễn ra vào buổi chiều các ngày 10 và 12/4/2022 trên các tuyến phố chính của thành phố Huế. Nội dung: Lễ hội đường phố sẽ được tổ chức với kịch bản và phương thức mới, khai thác các tuyến đi bộ, tuyến phố du lịch, bố trí khung giờ hợp lý để tạo không khí lễ hội sôi động trong thời gian diễn ra Festival.
 
- Chương trình tôn vinh giá trị di sản văn hóa cung đình Huế: sẽ do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì, nghiên cứu lựa chọn.
 
- Lế Tế Giao: Một lễ hội cung đình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, với ước nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, sẽ diễn ra vào ngày 12/4/2022 (tức ngày 12 tháng 3 âm lịch)
 
Ngoài ra, còn có các chương trình như: Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn. Giải chạy VNExpress Marathon Huế. Lễ hội Bia. Lễ hội “Chợ quê ngày hội”. Hội chợ thương mại Quốc tế do Sở Công Thương chủ trì. Các triển lãm nghệ thuật, trưng bày, hội nghị, hội thảo…
 
Tháng 5:
 
Hoạt động, lễ hội chính: Chương trình Đại lễ Vesak: Ngày 14/5 và 15/5/2022 tại Nghinh Lương Đình do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện. Tuần lễ Ẩm thực chay: Ngày 14/5 và 15/5/2022 tại công viên Lý Tự Trọng. Khai mạc Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX. Giải Vật Dân tộc toàn quốc.
 
Ngoài ra, còn có các hoạt động hưởng ứng: Các triển lãm về Phật giáo; Liên hoan lễ nhạc Phật giáo; Hoạt động âm nhạc đường phố
 
Tháng 6:
 
- Festival Diều Huế diễn ra từ ngày 01/6 đến ngày 7/6/2022 tại công viên Tứ Tượng, địa điểm biểu diễn thả Diều tại sân Hàm Nghi và bãi biển Thuận An. Hoạt động chính: nghệ thuật làm diều, không gian trưng bày nghệ thuật tạo hình Diều, trình diễn nghệ thuật thả diều…
 
- Ngày Hội Sen Huế 2022 “Sen – tinh hoa của đất trời” với các hoạt động chính: Sắc sen: Chương trình trình diễn BST áo dài “Sen”. Vị Sen: Các hoạt động trưng bày, giới thiệu về ẩm thực sen. Hương sen: Quảng diễn một số nghề truyền thống có sử dụng hình ảnh của sen (Tranh Trúc chỉ, Nón lá sen, hoa sen giấy Lavin Decor...). Hoạt động diễn ra từ ngày 18/6 đến ngày 19/6/2022.
 
Chuỗi hoạt động trong đề án Ngày hội Áo dài với các hoạt động chính:  Các hoạt động diễn ra vào dịp húy kỵ Chúa Nguyễn Phúc Khoát (18/6/2022, tức 20/5 Âm lịch), bao gồm các hoạt động quảng diễn Áo dài truyền thống, dâng hương tri ân Chúa Nguyễn Phúc Khoát, các chương trình Áo dài cộng đồng...  Xây dựng các hoạt động quảng bá, truyền thông về Áo dài Huế. Xây dựng các tour du lịch, sản phẩm du lịch gắn với Áo dài Huế.
 
- Chương trình “Ai đã đặt tên cho dòng sông” diễn ra vào ngày 25/6/2022…
 
Lễ hội mùa Thu “Thu quyến rũ” ( tháng 7 – 9)
 
Tháng 7:
 
Hoạt động, lễ hội chính gồm: Show ca nhạc “Dấu chân kỷ niệm”; Ngày hội Hiphop Huế 2022; Lễ hội “Hương xưa làng cổ”.
 
Ngoài ra, còn có các hoạt động hưởng ứng: Các triển lãm nghệ thuật, trưng bày; Hoạt động thể dục, thể thao; Festival Khoa học.
 
Tháng 8:
 
Hoạt động, lễ hội chính gồm: Lễ hội Điện Huệ Nam; Lễ hội Truyền Lô;  Giải Quần vợt Master 500:
 
Hoạt động hưởng ứng gồm: Các hoạt động nghệ thuật đường phố; Các hoạt động thể dục thể thao.
 
Tháng 9:
 
Hoạt động chính gồm: Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Hương; Giải đua xe đạp “Coupe de Hue” ; Lễ hội đèn lồng cố đô ; Ngày hội Lân Huế.
 
Hoạt động hưởng ứng gồm các hoạt động, lễ hội đặc trưng của các địa phương được tổ chức hàng năm.
 
Lễ hội “Giai điệu Mùa Đông” (tháng 10 – 12):
 
Tháng 10:
 
Hoạt động chính gồm: Liên hoan “Giọng ca vàng Bolero Huế”; Liên hoan Xiếc quốc tế.
 
Hoạt động hưởng ứng gồm các hoạt động triển lãm mỹ thuật, trưng bày cổ vật...
 
Tháng 11:
 
Hoạt động chính gồm: Liên hoan ca Huế toàn quốc; Các triển lãm nghệ thuật, trưng bày; Wellness Festival – Tuần lễ Du lịch chăm sóc sức khỏe Huế:
 
Tháng 12:
 
Hoạt động chính gồm: Festival Âm Nhạc – Giai điệu Mùa Đông; Chương trình Countdown:
 
Hoạt động hưởng ứng gồm: Các triển lãm nghệ thuật, trưng bày; các hoạt động nghệ thuật đường phố; các hoạt động, lễ hội đặc trưng của các địa phương được tổ chức hàng năm.
 
Ngoài ra, duy trì các chương trình biểu diễn của các câu lạc bộ nghệ thuật, ban nhạc, đội kèn... phục vụ người dân và du khách tại các điểm công cộng như nhà Kèn, công viên, phố đi bộ theo định kỳ, cuối tuần, cách nhật, hằng ngày. Tổ chức các lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian tại các địa phương.
 
 
 
 
 
 
Quỳnh Chi
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng