Các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế tập luyện trong mùa dịch
Tập luyện tiết mục mới
Không thể tổ chức biểu diễn phục vụ du khách do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế tập trung nghiên cứu, phục dựng lại các điệu múa cung đình và trích đoạn tuồng cổ. Nhà hát đã nghiên cứu, tập luyện thành công một số trích đoạn tuồng cổ, như: “Võ Tam Tư trảm cáo”, “Ác ẩn trong thiện”, “Chây Xương làm thuốc”, “Phàn Lê Ba đại chiến Thiếc Bạc”; điệu múa “Thanh trà hiến quả” dựa trên điệu múa cổ “Thanh hoa chi”… Trong đó, điệu múa “Thanh trà hiến quả” vừa đoạt giải B giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2021 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Tham gia tập luyện, nghệ sĩ Kim Tuyến tỏ ra hào hứng: “Không được biểu diễn nhưng thay vào đó, nghệ sĩ có thời gian ôn luyện các điệu múa cổ truyền. Qua thời gian, nhiều tài liệu liên quan đến Nhã nhạc, vũ điệu cung đình xưa bị thất lạc, hư hỏng. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã nỗ lực nghiên cứu, tìm lại các bài bản chính thống. Tôi rất thích thú khi được biết thêm các trích đoạn tuồng cổ, những vũ điệu cung đình xưa”.
Khi bận rộn với các suất diễn, công tác nghiên cứu khoa học, tập luyện của nhà hát bị chững lại. Sau khi tạm ngưng biểu diễn phục vụ du khách, nhà hát triển khai công việc theo hướng tập trung nguồn lực nghiên cứu, phục dựng lại các làn điệu, vũ điệu cung đình, trích đoạn tuồng cổ trước đây chưa có điều kiện thực hiện, vừa giữ gìn, phát huy vừa đưa vào các chương trình quảng bá văn hóa nghệ thuật cung đình Huế và biểu diễn phục vụ du khách khi đón khách du lịch trở lại.
Theo NSND. Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, với những tiết mục vừa được phục dựng, nhà hát vừa giữ nguyên bản những tiết mục kinh điển trong nghệ thuật cung đình Huế để biểu diễn tại không gian diễn xướng trước đây đã biểu diễn phục vụ cho triều Nguyễn. Một số khác được nhà hát phát triển dựa trên chất liệu của nghệ thuật cung đình, dàn dựng sinh động hơn để phù hợp với việc biểu diễn ở các khu di tích và phục vụ cộng đồng, du khách.
Trong mùa dịch, họa sĩ Đặng Mậu Tựu dành nhiều thời gian ở nhà để sáng tác
Từ tháng 5 đến nay, các diễn viên, nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế cũng không được biểu diễn. Rất nhiều chương trình đã tập luyện chỉn chu đành phải hủy bỏ do dịch bệnh. Tuy vậy, nghệ sĩ nhà hát vẫn chia nhóm tập luyện để giữ lửa nghề. Mới đây, nhà hát vừa dàn dựng xong vở ca kịch “Chợ đời” để tham gia Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp và dân ca kịch toàn quốc, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tại TP. Vinh, Nghệ An. Đây là tác phẩm của tác giả Lê Quý Dương, do NSND. Nguyễn Ngọc Bình làm đạo diễn, đề cập đến truyền thống đấu tranh cách mạng của những người chiến sĩ Trường Sơn và di chứng của chiến tranh.
NSƯT. Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế cho biết, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 kéo dài nhưng anh em nghệ sĩ vẫn giữ được tinh thần nhiệt huyết, tích cực tập luyện dù biết trước chưa chắc diễn được. Các chương trình biểu diễn kỷ niệm Ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày hoàng đế Quang Trung lên ngôi tại núi Bân đều phải hủy dù đã sẵn sàng. Hiện nay, nhà hát đang tập luyện chương trình ca múa nhạc tổng hợp năm 2022.
Hăng say sáng tạo
Với các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, dịch COVID-19 khiến họ dành nhiều thời gian ở nhà để sáng tác. Suốt mấy tháng nay, họa sĩ Đặng Mậu Tựu vẽ hăng say và liên tục giới thiệu tác phẩm mới trên mạng xã hội. Bằng phong cách trừu tượng quen thuộc, ông thể hiện những trăn trở về nhân tình thế thái, ngẫm ngợi về cuộc đời, kiếp nhân sinh và cuộc sống hàng ngày… Họa sĩ bộc bạch: “Dịch bệnh không đi đâu nên tôi tập trung vẽ. Hiện thực cuộc sống gợi cho tôi nhiều suy tư, khắc khoải để sáng tác. Những suy tư trong hội họa cũng giúp tôi lựa chọn cho mình thói quen, cách sống trong bối cảnh hiện nay, cũng như xác định những phần việc người nghệ sĩ cần góp phần một cách thiết thực”.
Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật cho hay, do tính chất công việc chủ động, khép kín nên vào mùa dịch, thời gian nghệ sĩ tạo hình dành cho sáng tác nhiều hơn vì ít bị tác động bởi bên ngoài. Nhiều nghệ sĩ liên tục giới thiệu tác phẩm mới. Sự biến đổi của xã hội trong thời gian dịch bệnh tác động đến nghệ sĩ nhưng ai cũng lạc quan sáng tác, thể hiện ước mong cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Trong bối cảnh dịch bệnh, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật vẫn tranh thủ được những thời khắc dịch ổn định để tổ chức 4 trại sáng tác ở Nam Đông, A Lưới, Phú Vang, Hương Trà để văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế. Các trại sáng tác này đã thu nhận hàng trăm tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm có chất lượng cao. Liên hiệp hội cũng phát động cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài phòng, chống dịch COVID-19 và tổ chức trại sáng tác về chủ đề này. Các văn nghệ sĩ tích cực sáng tác nhiều tác phẩm mới, động viên mọi người cùng nhau chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật chia sẻ, năm qua, nhiều hội viên ở các hội chuyên ngành đạt được nhiều giải thưởng lớn ở quốc tế, trong nước, khu vực. Nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế không chỉ được xướng danh tại các liên hoan nhiếp ảnh ở trong nước mà còn được xướng tên tại các giải thưởng lớn của thế giới, đưa hình ảnh đất nước, con người xứ Huế ra với thế giới. Nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ được lưu truyền trong cả nước. Nhiều bức tranh đã được các nhà sưu tập trong và ngoài nước sưu tập… Điều đó thể hiện tinh thần sáng tạo hăng say của văn nghệ sĩ trong mùa dịch.
Theo Trang Hiền - Báo Thừa Thiên Huế Online