Tối 15/2, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, Hội Nghệ sĩ Múa phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức chương trình Festival Thơ với chủ đề "Thơ Huế và Di sản". Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Festival Huế bốn mùa và Ngày thơ Việt Nam 2022.
NSỬT Phong Thủy diễn ngâm bài bản phú lục “Ông Hoàng thi sĩ” của nhà thơ Nguyễn Phước Hải Trung
Đến dự có các ông: Hoàng Khánh Hùng, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyên Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các ban ngành trong tỉnh. Đặc biệt là đông đảo các văn nghệ sĩ, công chúng yêu thơ, yêu nghệ thuật đã đến tham dự chương trình.
Đông đảo các văn nghệ sĩ và công chúng yêu thơ đén tham dự chương trình
Phát biểu tại đêm thơ, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế - xúc động chia sẻ: "Festival Thơ Huế là một chương trình thi ca của thi sĩ xứ Huế qua các kỳ Festival Huế, hình thành từ năm 2004 đến nay đã 18 năm. Khi Festival qua đi, những chương trình hoành tráng và náo nhiệt qua đi..., cái còn lại “thâm trầm sâu lắng đọng” là những bài thơ viết về Huế của những người yêu Huế. Như hai câu thơ của Thu Bồn: Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu..."
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, phát biểu tại chương trình "Thơ Huế và Di sản"
Đêm thơ "Thơ Huế và Di sản" đã nối một nhịp cầu về hành trình hơn 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, nơi lịch sử văn chương xứ này được khởi thủy từ một bài thơ. Đó là tháng 9/1353, vua Trần Dụ Tông sai tham tri chính sự Trương Hán Siêu vào trấn giữ Hóa Châu, tại đây ông làm bài thơ Hóa Châu tác. Đó là bài thơ thuộc dòng thi ca bác học đầu tiên của Huế.
NSND Bạch Hạc diễn ngâm bài thơ "Nguyên Tiêu" của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chương trình “Thơ Huế và di sản” đã tiếp nối truyền thống các chương trình festival trước, diễn ngâm những bài thơ, từ những tác phẩm bất hủ của các bậc thi nhân như “Nguyên Tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Thu chí” của đại thi hào Nguyễn Du, “Tết của mẹ tôi” của nhà thơ Nguyễn Bính... đến các tác phẩm thơ của các nhà thơ mới sau này như “Trong đôi mắt Huế” (thi sĩ Đông Hồ), “Chiều Hương Giang” (nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm), “Xứ sở dịu dàng” (nhà thơ Phạm Tấn Hầu), “Nữ sinh Đồng Khánh” (nhà thơ Mai Văn Hoan), "Chúa Sãi mười năm ở Phước Yên" (nhà thơ Phạm Nguyên Tường), “Tản mạn Huế” (nhà thơ Lê Tấn Quỳnh)…
Nghệ sĩ Phong Thủy trình bày ca khúc "Mùa xuân nho nhỏ" của nhạc sĩ Văn Cao
Tại không gian ấm cúng, đầy chất thơ của chương trình, khán giả còn được thưởng thức những nhạc phẩm đã đi vào lòng người như “Mùa xuân nho nhỏ” của nhạc sĩ Trần Hoàn phổ thơ nhà thơ Thanh Hải, “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ văn Cao,... không thể thiếu là những tác phẩm đậm chất Huế như ca khúc “Cơm hến” của nhạc sĩ Trầm Tích phổ thơ nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, bài bản phú lục “Ông Hoàng thi sĩ” rút trong tập “Từ khúc ca Huế” của nhà thơ Nguyễn Phước Hải Trung... Tất cả tạo nên một đêm thơ đầy sâu lắng, mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả Huế.
Quỳnh Chi