Chiều 18/3, Bảo tàng Mỹ thuật Huế phối hợp với Hội Mỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội Nhà văn tỉnh Thừa Thiên Huế và Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội tổ chức buổi lễ phát động chương trình “Hành trình ký hoạ di sản Cố đô Huế 2022” nhân dịp kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975-26/3/2022).
Diễn ra từ ngày 18/3/2022 đến ngày 23/3/2022, chương trình "Hành trình ký họa di sản Cố đô Huế 2022" với sự tham gia của 97 thành viên gồm các kiến trúc sư, họa sĩ, nhà thơ và những người yêu ký họa thông qua các hoạt động sáng tác thơ ca, hội họa, ký hoạ trực tiếp các khía cạnh của di sản văn hóa Huế như: Quần thể di tích Cố đô Huế với thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch và nhiều công trình kiến trúc độc đáo (mỹ thuật tạo hình triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế - Di sản tư liệu,..) gắn liền với lịch sử triều đình nhà Nguyễn; kiến trúc dân gian (Đình, Chùa, Miếu,…), phong cảnh Huế, nhà vườn Huế,…
Ban Tổ chức chương trình "Hành trình ký họa di sản Cố đô Huế 2022"
Những tác phẩm ra đời trong "Hành trình ký họa di sản Cố đô Huế 2022" sẽ được lựa chọn và tổ chức trưng bày triển lãm tại triển lãm mỹ thuật chủ đề “Nét đẹp di sản Cố đô Huế qua thơ ca, hội họa” cùng các hoạt động trưng bày và trình diễn áo dài truyền thống; xuất bản ấn phẩm “Ký họa di sản Cố đô Huế 2022”; ứng dụng một số hình ảnh ký họa trong Chương trình lên một số sản phẩm như áo dài, nón, áo pull, túi xách,.. trong dịp Festival Huế “Di sản văn hóa với Hội nhập và Phát triển” (tháng 4 - 6/2022) nhằm góp phần quảng bá di sản văn hóa Huế đến với công chúng đồng thời đóng góp cho đời sống tinh thần của nhân dân.
Các thành viên tham gia "Hành trình ký họa di sản Cố đô Huế 2022" cùng chụp ảnh lưu niệm
Chương trình "Hành trình ký họa di sản Cố đô Huế 2022" đã tạo ra một không gian “gặp gỡ” giữa những người yêu nghệ thuật, trân trọng và ứng xử tốt đẹp với di sản; sự gặp gỡ giao lưu và gắn kết giữa các đơn vị tổ chức; sự “giao lưu” giữa văn hóa, nghệ thuật với du lịch đồng thời góp phần lan toả tình yêu thiên nhiên đất nước con người, khám phá nét đẹp di sản vùng đất Cố đô Huế, khơi gợi niềm tự hào, ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá di sản vật thể và phi vật thể của Cố đô Huế đến cộng đồng trong nước và quốc tế; góp phần thúc đẩy phát triển văn hoá, du lịch và kinh tế của Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung.