Theo đó, Tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo việc triển khai các giải pháp chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật đón khách của các doanh nghiệp du lịch; định hướng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe.
Hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường như sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi gắn với thiên nhiên, các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá...; xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng, sinh thái là sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó sẽ rà soát, hoàn thành tiêm vắc xin đầy đủ cho toàn bộ cán bộ công nhân viên, người lao động trong ngành du lịch - dịch vụ để đảm bảo thực hiện cơ chế “hộ chiếu vắc-xin”.
Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục triển khai giảm một số loại phí, chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp, nghỉ việc tạm thời đối với nguồn nhân lực trong ngành du lịch. Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá điểm đến, liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương và doanh nghiệp, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tổ chức xuyên suốt các hoạt động phục vụ Festival bốn mùa.
Tăng cường liên kết đẩy mạnh hợp tác giữa các điểm du lịch, vùng liên kết du lịch và các địa phương du lịch nhằm hỗ trợ và nâng cao giá trị các điểm đến du lịch để đón khách. Chấn chỉnh nghiêm các hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch như nạn chèo kéo, ăn xin, cò mồi, sự mất trật tự giao thông của xích lô, xe thồ…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình khẳng định việc mở cửa hoàn toàn trong thời điểm này là cơ hội để ngành du lịch thu hút khách, đặc biệt khách du lịch quốc tế trở lại Thừa Thiên Huế, giúp doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ hồi phục dần mà vẫn bảo đảm an toàn cho người dân và du khách.
Quỳnh Chi