Huế 24h
Ra mắt ấn phẩm "Di sản kiến trúc Huế qua nét vẽ - Tư liệu Viện Bảo tồn di tích"
15:45 | 22/03/2022

Chiều 21/3, Viện Bảo tồn di tích Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức buổi giới thiệu ấn phẩm “Di sản kiến trúc Huế qua nét vẽ - Tư liệu Viện Bảo tồn di tích”. 

Ra mắt ấn phẩm "Di sản kiến trúc Huế qua nét vẽ - Tư liệu Viện Bảo tồn di tích"
Ấn phẩm “Di sản kiến trúc Huế qua nét vẽ - Tư liệu Viện Bảo tồn di tích” do Viện Bảo tồn di tích thực hiện, giới thiệu về 7 bộ hồ sơ bản vẽ nói trên, bao gồm Hồ sơ vẽ ghi di tích Ngọ môn; Hồ sơ vẽ ghi di tích Triệu miếu; Hồ sơ vẽ ghi di tích Hiển Lâm các; Hồ sơ thiết kế tu bổ di tích Tả Vu – Điện Cần Chánh; Hồ sơ thiết kế tu bổ di tích Thái Bình lâu; Hồ sơ tu sửa di tích Xung Khiêm tạ và Hồ sơ tu sửa di tích Dũ Khiêm tạ.
 
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính giới thiệu ấn phẩm “Di sản kiến trúc Huế qua nét vẽ - Tư liệu Viện Bảo tồn di tích”
 
Các hồ sơ bản vẽ trình bày trong ấn phẩm “Di sản kiến trúc Huế qua nét vẽ - Tư liệu Viện Bảo tồn di tích” đã được thực hiện cách nay 40 năm, đó chẳng những là những bản vẽ đầu tiên, mà còn góp phần vào sự nghiệp giữ gìn di sản văn hóa và kiến trúc đặc sắc của Cố đô Huế. Ấn phẩm được giới thiệu đến công chúng cũng đã mang lại cho các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và đông đảo bạn đọc yêu di sản, yêu kiến trúc Huế những tư liệu quý về di sản kiến trúc Huế; về những nỗ lực gìn giữ di sản quý giá này của Xưởng Bảo quản và Tu sửa di tích Trung ương (nay là Viện Bảo tồn di tích) trực thuộc Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
 

Bìa ấn phẩm “Di sản kiến trúc Huế qua nét vẽ - Tư liệu Viện Bảo tồn di tích”
 
Di sản kiến trúc Huế là tập hợp có một không hai những công trình kiến trúc điển hình của một thời kỳ lịch sử, gồm thành lũy, cung điện, đền miếu, lăng tẩm, chùa chiền, nhà ở, phố phường... Huế là một di tích kiến trúc đô thị còn lại hầu như nguyên vẹn ở nước ta. Hơn nữa, Huế có được một giá trị kiệt xuất của chốn đô thị lịch sử - đó là sự hòa nhập, sự chuyển tiếp tự nhiên giữa phần hạt nhân cổ, phần xây dựng cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX cùng phần mới xuất hiện trong những thập kỷ vừa qua. Một giá trị nữa của thành phố Huế là sự chuyển tiếp hết sức nhuần nhuyễn giữa ba thành phần: Bản thân đô thị. Khu vực trung gian gồm những thảm cỏ, cây cối triền sông và hệ sông nước có sự đầu tư duy trì lâu bền bởi bàn tay con người qua nhiều thế kỷ. Khung cảnh thiên nhiên chi phối đô thị và ngược lại. Nối tiếp giai đoạn Phú Xuân và qua gần một thế kỷ rưỡi tồn tại với tư cách là kinh đô, ở Huế đã hình thành một nền kiến trúc có bản sắc riêng, không thể nhầm lẫn với kiến trúc của một nơi, một thời nào khác.Từ đầu những năm 80 thế kỷ trước, Xưởng Bảo quản và Tu sửa di tích Trung ương đã thực hiện việc tu bổ cấp thiết các di tích Triệu miếu, Hiển Lâm các, Thái Bình lâu, Tả Vu thuộc điện Cần Chánh trong khu Đại Nội; Xung Khiêm tạ và Dũ Khiêm tạ ở lăng vua Tự Đức. Trước đó, các di tích của quần thể kiến trúc cung đình Huế chưa hề được vẽ ghi và xây dựng hồ sơ khoa học. Các cán bộ kỹ thuật đã đo đạc tỉ mỉ, xây dựng các bản vẽ đạc họa hoàn toàn thủ công, không có bất cứ phương tiện kỹ thuật nào. Nhờ vậy mà các bản vẽ ghi chẳng những có sự tường tận cao mà còn lưu lại dấu ấn cảm xúc của người vẽ và cả tay nghề của họ.
 
 
 
Quỳnh Chi
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng