Đến tham dự buổi khai mạc có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh ủy - Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định.
Chương trình gồm các hoạt động đọc sách online với chủ đề "Tìm hiểu lịch sử - nâng bước tương lai", giới thiệu tủ sách giáo dục di sản và văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số, được phát sóng trên các đường link, lan tỏa trên mạng xã hội; triển lãm online về những thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình chuyển đổi số; tiếp nhận sách tặng từ các tổ chức và cá nhân, tri ân sách cho các độc giả.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng lẵng hoa cho đại diện Trung tâm Bảo tồn DI tích cố đô Huế
Dịp này, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng trưng bày triển lãm với chủ đề: "Quốc Sử Quán triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử - kết nối dòng chảy Nghiên cứu, Bảo tồn phát huy giá trị Di sản văn hóa Huế", nhằm khơi dậy một địa chỉ rất quan trọng về việc biên soạn và lưu trữ tài liệu để ngày nay chúng ta mới có sử liệu để nghiên cứu về các hoạt động của đất nước trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Việt Nam từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.
Ngoài ra, sự kiện tôn vinh sách, văn hóa đọc tại di tích Lầu Tàng Thơ còn có hoạt động Di sản với học đường qua Hội thi: "Chia sẻ cuốn sách hay" của học sinh trường PTTH Nguyễn Huệ. Qua hội thi này các em học sinh thêm niềm tin yêu sách, tôn vinh văn hóa đọc, bồi đắp kiến thức đồng thời giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước.
Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng, một hoạt động có ý nghĩa đặc biệt, kết nối dòng chảy quá khứ, góp phần tôn vinh các giá trị lịch sử và khẳng định vai trò vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đọc, giá trị của sách trong đời sống xã hội, ý thức và sự phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người Huế và lịch sử văn hóa Huế, nhất là trong thời đại công nghệ số.
Quỳnh Chi