Sáng 22/4, tại Trường lang Đại Cung Môn, Đại nội Huế; Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức triển lãm bản Kiều chép tay của hoàng gia triều Nguyễn.
Triển lãm đã giới thiệu đến công chúng đặc điểm, tính chất của Bản Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn thông qua 36 panel được thiết kế phù hợp với không gian trưng bày. Đây có lẽ là quyển sách đẹp nhất và cầu kỳ nhất về hình thức của loại hình sách bằng giấy dó trong lịch sử trung đại ở Việt Nam.
Những bản in Truyện Kiều xuất hiện sớm nhất đều vào thời vua Tự Đức, vào các năm 1866, 1870, 1871, 1872. Đặc biệt đối với bản chép tay thì giới nghiên cứu hiện biết đến 02 bản bản chép của Nguyễn Hữu Lập (chép năm 1870); bản chép của Trần Bích San (khoảng năm 1870). Đặc biệt, mới đây nhất, xuất hiện một bản Kiểu chép tay của hoàng gia triều Nguyễn.
Được biết, cuốn cổ thư này từng được bày bán ở một hiệu sách cổ ở Paris, sau đó được Thư viện Anh quốc sưu tập rồi trở thành thư mục nằm trong bộ sưu tập cổ thư của thư việc này từ năm 1894. Có lẽ bản Kiều này đã bị lấy cắp tại sự kiện thất thủ Kinh đô 1885, khi mà người Pháp cùng quân đội viễn chinh đã tràn vào xâm chiếm Kinh đô và lấy đi không ít của cải cùng nhiều báu vật của triều đình Huế.
Bìa sách "Bản Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn"
Bản Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn với đặc điểm nổi bật đầu tiên là bìa sách. Trang trí bìa của quyển bản Kiều này hoàn toàn phù hợp với phong cách cung đình, có thể phát hiện nhiều điểm tương đồng ở các bìa loại thể sách (sách lụa), hoặc bìa trên chỉ sách (sách giấy, lịch) của triều Nguyễn. Bìa bằng vải màu vàng, dệt hình rồng, mặt rồng ngang, thân uốn khúc, chân năm móng bấu vào mây ngũ sắc, trang trí xung quanh nền là họa tiết dệt hình bát bửu. Tính chất của họa tiết rồng năm móng đưa đến nhận xét đầu tiên, đây là bản của nhà vua "ngự lãm".
Triển lãm Bản Kiều chép tay của hoàng gia triều Nguyễn diễn ra từ nay đến 21/5/2022.
Quỳnh Chi