Huế 24h
Tọa đàm "Công lao và những đóng góp quan trọng về mặt lịch sử của hoàng đế Gia Long"
09:25 | 02/06/2022

Chiều 31/5, nhân dịp kỷ niệm 220 năm ngày vua Gia Long thống nhất đất nước và đặt niên hiệu Gia Long, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam vừa tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề "Công lao và những đóng góp quan trọng về mặt lịch sử của hoàng đế Gia Long (1802-1820)" tại nhà hát Bến Xuân (Hương Hồ, thành phố Huế).

Tọa đàm "Công lao và những đóng góp quan trọng về mặt lịch sử của hoàng đế Gia Long"

Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu đã thảo luận về 32 bài viết của các học giả trong và ngoài nước gửi về tham dự như: Nguyễn Xuân Hoa, Phan Thanh Hải, Thụy Khuê, Lưu Trọng Văn, Trần Đại Vinh, Nguyễn Phước Bửu Nam, Nguyễn Trung Tiến, Tôn Thất Hướng, Nguyễn Đắc Xuân... xoay quanh 05 chủ đề chính: Nguyễn Phúc Ánh - vua Gia Long là người có công lao to lớn, là người hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước, khai sinh nước Việt Nam, khôi phục vương triều Nguyễn (Chủ đề này có 09 tham luận); Vua Gia Long - người đặt nền móng cho các chính sách nội trị, ngoại giao của triều Nguyễn (Chủ đề này có 07 tham luận); Vua Gia Long - người có công lớn trong việc xác lập chủ quyền biển đảo của Việt Nam, mang tính pháp lý quốc tế cao (Chủ đề này có 03 tham luận); Vua Gia Long - người có công xây dựng kinh thành Huế, đặt nền tảng cho giáo dục Nho học và trọng dụng nhân tài (Chủ đề này có 03 tham luận); Công lao, dấu ấn của vua Gia Long và một số đề xuất (Chủ đề này có 11 tham luận).

Có thể là hình ảnh về 3 người và trong nhà
TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế - phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: Văn Thể Huế)

Theo TS. Phan Thanh Hải, vua Gia Long được đánh giá là nhân vật lịch sử vĩ đại nhất của Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Bài phát biểu của ông nhấn mạnh vào 03 nội dung: Sự chính danh trong kế thừa dòng họ Nguyễn của Nguyễn Phúc Ánh - vị chúa đời thứ 11 và cũng là vị hoàng đế đầu tiên; Những công lao đóng góp to lớn của nhà vua trong 18 năm ở ngôi hoàng đế; Và trách nhiệm tôn vinh vua Gia Long, các vị hoàng đế triều Nguyễn có công lao đối với đất nước của thế hệ chúng ta.
 
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho rằng, Vua Gia Long rất quan tâm đến việc thu phục nhân tài để chuẩn bị cho công cuộc chấn hưng văn hóa, giáo dục sau chiến tranh. Chính vua Gia Long đã tạo ra một sinh khí mới rất tích cực, sối nổi sau thời kỳ dài đất nước bị chia cắt, loạn lạc, nhiều giá trị truyền thống bị suy đồi, xuống cấp. Tiêu biểu và là sản phẩm của nền giáo dục tiến bộ đầu thời Nguyễn là Nguyễn Công Trứ, một người có nhân sinh quan và tinh thần nhập thế rất tích cực thể hiện qua thơ văn, trước tác của ông.
 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, sau gần 300 năm phân ly (1553-1802) đất nước dưới thời vua Gia Long mới được thống nhất về mặt lãnh thổ, còn nhiều mảng vỡ chưa được hàn gắn. Vua Gia Long đã thực hiện hàng loạt các kế sách về quản lý hành chính xã hội, xây dựng hệ thống pháp luật, chấn hưng giáo dục khoa cử và học thuật…Nhìn tổng thể, những quyết sách lớn về đối nội, đối ngoại để khắc phục một thời đất nước bị phân ly kéo dài, giữ vững nền tự chủ trong hòa bình, tập trung xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước thống nhất, thực sự đã bộc lộ một tài năng đáng nể của vị khai sáng vương triều Nguyễn.
 
Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam đề nghị đặt tên đường Gia Long ở Huế - ảnh 2
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến (Ảnh: Báo Thanh Niên Online)
 
Phát biểu tại tọa đàm, thạc sĩ Nguyễn Quang Trung Tiến, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học (Đại học Huế,) cho biết từ thế kỷ XVII - thời các chúa Nguyễn, việc tổ chức khai thác, chiếm hữu và thực thi chủ quyền quốc gia ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xúc tiến liên tục. Tuy nhiên, dưới góc độ công pháp quốc tế, ông Tiến khẳng định vua Gia Long mới là người có công lớn nhất trong việc tạo dựng cơ sở pháp lý quốc tế cho Việt Nam về vấn đề xác lập chủ quyền của quốc gia đối với những quần đảo này. Lợi thế của cuộc tranh chấp pháp lý về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa hiện nay của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là để bác bỏ tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa của chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông ở Trung Hoa năm 1909, một phần lớn dựa vào thành quả có được từ tuyên bố chiếm hữu chính thức về mặt nhà nước thời vua Gia Long năm 1816, được quốc tế công nhận.
 
Có thể là hình ảnh về 9 người, mọi người đang đứng và trong nhà
PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: Văn Thể Huế)
 
Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu đã thống nhất nhận định vua Gia Long đã có công đặt tên Việt Nam là quốc hiệu, có công lao to lớn thống nhất quốc gia trên lãnh thổ rộng lớn tương ứng với lãnh thổ hiện nay. Ngoài ra, hoàng đế Gia Long còn đặt nền móng cho việc phát triển kinh tế, luật pháp, văn hóa, xã hội... xây dựng kinh đô Huế. Dưới triều đại của mình, ông tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với những công lao đó, PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam, cho rằng vua Gia Long xứng đáng được tôn vinh vì những cống hiến của ông cho lịch sử dân tộc và cho sự phát triển trường tồn của đất nước, tên của ông rất xứng đáng đặt tên cho một con đường bề thế, trang trọng ở trung tâm thành phố Huế.
 
 
 
 
 
PV
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng