Khi những dòng chữ này đến với bạn đọc và những người yêu mến nhà thơ Vương Kiều thì ông đã giã từ kiếp tạm này để bắt đầu một hành trình mới ở một thế giới xa xôi vĩnh hằng. Và ở nơi ấy, ông sẽ được hạnh ngộ với những người bạn đã cùng ông đồng hành với nhiều kỷ niệm đáng nhớ trên hành trình của kiếp tạm này. Đó là Đoàn Đại Oanh, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Văn Hữu Tứ, Phương Xích Lô, Lê Việt Anh(Tập), Nguyễn Công Nhàn…
Nhà thơ Vương Kiều tên thật là Trần Vĩnh Tựu, sinh năm 1950 tại thôn Cự Lại, Phú Hải, Phú Vang, Huế đã từ biệt trần gian lúc 7h25 phút ngày 23 tháng 09 năm 2022 – hưởng thọ 73 tuổi(nhằm ngày 28 tháng 08 âm lịch) trong niềm tiếc nhớ vô hạn của gia đình, bạn bè và những người thương mến ông. Những giây phút cuối cùng yên nghỉtại nơi chôn rau cắt rốn, bên cạnh ông là hơi ấm của vợ con, gia đình và những người bạn thân của ông sẽ làmlinh hồn ông được sưởi ấm.
Thơ đã đăng trên Tạp chí Sông Hương và Thanh niên… Những tác phẩm đã in :
|
Đến bây giờ, tôi vẫn chưa thể tin nhà thơ Vương Kiều lại ra đi đột ngột như vậy, vì trước đó khoảng một tháng, tôi vẫn cùng ngồi với ông lai rai ở nhà ông tại Hóc Môn(Sài Gòn) để ngày mai ông đi Huế để hội ngộ nhà thơ Phùng Sơn và nhà thơ Phạm Tấn Hầu. Chuyến đi Huế đó, người bạn thân của ông – nhà báo Trần Phá Nhạc lên tận ga Sài Gòn tiễn ông. Và đây cũng là lần đưa tiễn cuối cùng!
Nhà thơ Vương Kiều(tay phải), nhà thơ Phùng Sơn (giữa) và nhà thơ Phạm Tấn Hầu (trái) hội ngộ tại đường Trịnh Công Sơn (Huế) trước khi nhà thơ Vương Kiều qua đời
Và bây giờ, nhà thơ Vương Kiều đã đi xa, trong tôi lại nhớ lại những kỷ niệm với ông như những thước phim quay chậm ngược thời gian!
Đó là thời gian thời bao cấp, khoảng năm 1985 khi ông ghé thăm nhà cha mẹ tôi ở Quy Nhơn và cũng là lần đầu tiên tôi được gặp ông.Tôi chỉ là cậu bé mới bước chân vào tiểu học. Lúc đó, tôi chỉ biết ông là “chú Tựu”, bạn của cha tôi. Đến bây giờ đã gần 40 năm nhưng ký ức những thời điểm đó, trong tâm trí tôi vẫn nhớ như in. Hình ảnh nhà thơ Vương Kiều với giọng Huế đặc sệt, nhẹ nhàng, nước da ngâm đen, dáng người nhỏ cũng y hệt như cha tôi. Thời bao cấp khó khăn, cha tôi và nhà thơ Vương Kiều gặp nhau chỉ có những bữa cơm tạm bợ, vài xị rượu, dĩa rau luộc… và thứ không thể thiếu là cà phê, thuốc lá Đà Lạt nhưng thật ấm cúng, vui vẻ và đầy kỷ niệm. Cha tôi và nhà thơ Vương Kiều ôn lại những câu chuyện trước đây ở Huế, Đà Lạt, hỏi thăm tin tức của những người bạn thân…Tôi được ngồi bên cạnh cha và lắng nghe. Những câu chuyện đó đến giờ không thể phai mờ trong ký ức của tôi!
Một thời gian sau, nhà thơ Vương Kiều gởi thư cho cha tôi và trong thư có nói rằng đã kiếm được việc làm sau một thời gian bôn ba. Ông cho biết đang làm thủ kho tăm nhang ở tại Sài Gòn. Sau này, tôi mới được biết đó là kho tăm nhang đối diện với công viên Lê Thị Riêng, Q10. Thời điểm đó là nghĩa trang Đô Thành. Nhà báo Trần Phá Nhạc – người bạn thân của ông cho biết, kho tăm nhang lúc ấy rất rộng và là nơi gặp mặt thường xuyên của những người bạn của nhà thơ Vương Kiều như Đoàn Đại Oanh, Thái Ngọc San,Trần Phá Nhạc, Nguyễn Công Nhàn, Phan Bá Chức, Hoàng Công Song, Nguyễn Kiên Định, Thu tóc bạc…
Từ trái qua: Cao Hữu Điền, Dương Đình Hùng, Trần Luyến(Năm Luận), Lê Văn Ngăn, Vương Kiều, Thái Ngọc San
Nhà thơ Vương Kiều và Đoàn Đại Oanh(giữa) tại nhà Lê Việt Anh(Tập) – Kiều Huệ
Hồi ký sau này của nhà thơ Vương Kiều cho biết, vào năm 1984 sau một thời gian về lại Huế sống với ba mẹ, anh em không được bao lâu thì máu lang thang văn nghệ của ông nổi dậy. Ông lúc đó vẫn còn độc thân. Và ông lại tìm đường lên xứ sở hoa anh đào tạm cư ở nhà nhạc sỹ Phan Bá Chức, làm đủ nghề để kiếm sống: quấn thuốc lá, in lụa, phụ hồ…đến năm 1985 thì về Sài Gòn sống lây lất nơi này, nơi kia…Nơi trú ngụ thường xuyên của nhà thơ Vương Kiều lúc đó là kho tăm nhang của cô Sáu Phượng – người Bến Tre. Và nơi đây, ông đã gặp và quen với vợ chồng người bạn Lê Việt Anh(tên thường gọi là Tập) và nhà thơ Kiều Huệ.Kho tăm nhang này làm hàng xuất khẩu đi Singapore và Hồng Kông. Những ngày tháng kỳ hồ ở Sài Gòn lúc đó, ông cũng thường ngủ lại nhà của người bạn thân Đoàn Đại Oanh, người ở Bãi Dâu(Huế) tại 40 Cư xá Tự Do. Bác Đoàn Đại Oanh cũng là người bạn thân của cha tôi thời còn ở Đà Lạt trước 1975.Với nhà thơ Vương Kiều, khoảng thời gian đó là thời gian yên vui, cảm xúc nhất của giai đoạn khó khăn vì đây là nơi để kiếm sống và cũng là nơi gặp gỡ bạn bè ở khắp nơi. Ông cũng cho biết chị Sáu Phượng và vợ chồng người bạn Tập – Huệ luôn hào sảng với bạn bè của ông. Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, nhà văn Lữ Quỳnh, cố nhạc sỹ Ưng Lang cũng đã từng đến đây.
Ngày vui ngắn chẳng tày gang, một thời gian sau, kho tăm nhang làm ăn không thuận lợi, phải đóng cửa. Và nhà thơ Vương Kiều lại tiếp tục phải làm đủ nghề để bươn chải cuộc sống. Dù có trắc trở nhưng ông vẫn lạc quan và tâm hồn nghệ sỹ của ông luôn trong những lúc ngỡ như tuyệt vọng ấy:
…
Em đã bay về ngủ trên vai anh
Và em mãi bay về…
Để suốt đời anh mãi mãi yêu em!
Dẫu suốt đời anh mãi mãi xa em!
(Dạ khúc - Vương Kiều, Cự Lại thu 89)
Thời gian cứ trôi và vận may cũng mỉm cười với ông khi đầu thập niên 1990 ông có được công ty riêng làm dịch vụ du lịch lữ hành. Thời điểm này, để có được như vậy là điều không đơn giản! ….
Thời gian đầu công việc điều hành thuận lợi, bên cạnh đó có những người bạn Đoàn Đại Oanh, Lê Hữu Khanh, Cao Hữu Điền đã cùng giúp cho ông. Nhưng với bản tính văn nghệ của ông không thể cạnh tranh, bon chen được với cơ chế thị trường nên cũng chỉ sau một thời gian, công ty cũng đóng cửa và ông phải đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt, những lo toan cho cuộc sống hằng ngày…
Thời điểm đó cha tôi dẫn tôi ra Huế và nhà báo Thái Ngọc San khi gặp cha tôi từ cầu Ga Huế đi bộ đến 26 Lê Lợi đã nói: “Công ty du lịch của Tựu đã khó rồi”! Đó là giây phút mà cha tôi cùng nhà báo Thái Ngọc San chỉ biết nhìn nhau và im lặng!!! Có lẻ, ai cũng hiểu được, đã có máu văn nghệ sỹ thực thụ thì không dễ gì va chạm với thương trường vốn nhiều khắc nghiệt!
Nhưng trong những lúc sóng gió như vậy, nhà thơ Vương Kiều vẫn điềm tĩnh, an nhiên và vẫn có mặt ở quán cóc thân quen - điểm hẹn của những người bạn văn nghệ ở góc đường Sương Nguyệt Ánh(Sài Gòn). Và duyên tiền định cũng đã đến với ông khi gặp được người con gái Đồng Tháp trẻ trung, nhỏ hơn ông gần hai con giáp. Kết quả của mối tình đó là một cậu quý tử khôi ngô - tài sản quý nhất trong cuộc đời của nhà thơ Vương Kiều.Và có lẽ, đây cũng là vận may và bền vững nhất với ông. Bạn bè ông mừng cho hạnh phúc của ông khi ông gần tuổi ngũ tuần. Bài thơ “Niệm khúc cho nàng” của nhà thơ Vương Kiều đã đăng tạp chí Sông Hương năm 2008 đã nhắc về mối duyên với người ông đã gặp, yêu và cũng là người vợ bên cạnh ông trong những ngày cuối đời của ông:
Nàng năm ấy
đẹp như dòng sông lá vàng
và tôi yêu nàng
như yêu phù sa
trên miền quê Đồng Tháp
nàng là bông hoa, đêm đêm
ngát hương
trên sóng nước mênh mông.
Ôi! lênh đênh mối tình thuở ấy
tôi gặp nàng,
trong quán khách huyền mơ
nơi tiếng vỹ cầm
trộn lẫn cơn say
tựa như nàng không hề có thực
và lòng tôi xao xuyến lạ lùng.
Mười mấy năm qua rồi
quán khách huyền mơ xa lạ
con sông mỗi tối em về
lục bình vẫn trôi như mây
thuở phiêu bồng
như niệm khúc buồn
về mối tình
không hề có thực
tựa như em
không hề có thực
nên tôi mãi tìm
trong những cơn say
thầm tiếc mơ hồ
tiếng vỹ cầm xót đau
giữa ngực.
(Vương Kiều - Thơ Sông Hương 11/2008)
Thời gian cứ vẫn mãi trôi đi…
Năm 1997, khi tôi là sinh viên năm nhất mới có dịp hội ngộ cùng nhà thơ Vương Kiều lúc tôi ở trọ đường Ngô Tất Tố khu vực chợ Thị Nghè. Đã hơn 10 năm nhưng khi gặp, tôi vẫn nhớ và chào ông “con thưa chú Tựu”. Còn ông, vẫn giọng nói quen thuộc thuở xưa “cu Ngạn bây giờ là sinh viên rồi, nhanh hỉ”!Đó cũng là lúc chú cháu kết nối với nhau cho đến lúc ông lìa cõi tạm…
Trong quãng thời gian đứa con trai bụ bẫm duy nhất của ông chào đời cũng là lúc ông phải đối diện nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống vì phải lo toan cho vợ con và nhiều chi phí khác cho đứa trẻ. Và cứ đến 3h sáng, ông lại độc hành trên đường đến tòa soạn báo Thanh Niên để lấy báo và đi giao cho các sạp báo. Ngoài công việc phát hành báo, ông còn tự mày mò làm nghề in lụa, in card visit…với mong muốn kiếm thêm thu nhập để lo cho tổ ấm của đời ông.
Thời gian sau đó, ông có được một nơi ở ổn định ở quận ngoại thành Sài Gòn thuộc Hóc Môn và lúc đó, tôi cũng có dịp được gặp nhà thơ Vương Kiều nhiều hơn. Khi cuối tuần, hai chú cháu khi ngồi ở bờ sông Thanh Đa, khi ở góc đường Sương Nguyệt Ánh hoặc trước sân nhà ông. Những lúc ấy, tôi cảm thấy rất vui vì được nhà thơ Vương Kiều chia sẻ những câu chuyện của đời mình và những kỷ niệm với cha tôi cùng những người bạn…
Người mất bóng
Vương Kiều
Chiếc bóng mình không còn trong nắng,
ôi ! Mong manh sợi tóc trên đầu,
và cánh cửa đường về khép lại,
chân mình đi dẫm gót mình đau.
Chiếc bóng mình không còn theo gió,
làm chim xanh bay giữa muôn cành,
đôi khi nắm tay mình cứ ngỡ,
bàn tay ai cầm lấy tay mình.
Đôi khi thấy trăng đời đẹp quá,
muốn làm hoa thương nhớ nàng Kiều,
trăng chẳng chiếu bóng mình trên lá,
chợt nhớ người non nước cô liêu.
Đôi khi muốn về ngàn ngồi khóc,
nhưng rưng rưng nay cũng không còn,
nước đã chảy về xanh biển cả,
mắt mỏi mòn từ thủa sang sông.
thôi đành thôi lẩn mình qua núi,
làm tình nhân của kẻ không nhà,
còn sợi tóc sắc màu bóng tối,
mình gọi mình gãy độc huyền ca.
Tập thơ “Đêm trắng” có lẻ diễn tả được những trắc trở và những mơ ước trong cuộc đời của ông vì ông vốn là người bình tâm và lạc quan dù trải qua những khoảng thời gian khắc nghiệt của cuộc sống.
Vượt qua những đoạn trường rồi cuối cùng niềm vui thật sự cũng đến với nhà thơ Vương Kiều khi cậu con trai bé bỏng ngày nào còn bế trên tay đã tốt nghiệp ra trường và hiện tại đã là một giảng viên của một trường đại học có danh tiếng ở Sài Gòn. Ông như vỡ òa vì vui mừng và hạnh phúc! Nhà thơ Vương Kiều chờ đợi giây phút này đã lâu.
Nhưng ông không thể bước tiếp hành trình này!Những gì ông đã hết mình vì đứa con thân yêu để hôm nay ông thanh thản rời cõi tạm đã nói lên được tấm lòng vô bờ bến của người cha như ông. Ông đã từ biệt trong lúc cơn bão Noru đang hoành hành ở miền Trung. Ngày đưa tiễn ông, nhà thơ Kiều Huệ đã từ Sài Gòn ra Huế để đưa ông về nơi yên nghỉ tại quê nhà Cự Lại:
KHÚC HOÀI NIỆM
Kiều Huệ
Nhớ một thời bao cấp khó khăn
Tại cơ sở sản xuất tăm nhang
Hợp tác xã chung tay kiếm sống
Người lao động vất vả gian nan
Cơm áo qua ngày bớt lo toan
Mời bạn bè vui sau xuất hàng
Chén thù chén tạc thành tri kỷ
Nhà tole vách lá "Vô môn quan"
Nhà thơ Hải Bằng tuổi lão làng
Ghé thăm cơ sở lòng hân hoan
Ngẫu hứng 4 câu anh đề tặng
Lời thơ còn đây nhớ rõ ràng
"Bước tới nhà em ngỡ cữa rừng
Trèo lên dốc gỗ nắng chiều rung
Gặp nhau mặt đất chao lòng suối
Gió thổi vào tim lửa bập bùng"
Thời gian kinh tế đã xoay vần
Cơ sở sản xuất ngưng hoạt động
Tìm công việc mới để lo thân
Bạn bè từ đây đành tản mác
Nhà thơ, Nhà báo, Nhà điêu khắc
Người đi cải tạo, thầy tu xuất
Nhà văn, Họa sĩ, nhà kinh doanh
Ấm áp tình người vui tụ tập
Một cuốn phim ký ức thật đẹp
Bạn thân giờ kẻ mất người còn
Thời tuổi trẻ như một dấu son
Bao nuối tiếc khi ta hoài niệm
Hải Bằng, Thái Ngọc Sang vĩnh biệt
Nhạc sĩ họ Trịnh, Đoàn Đại Oanh
Thương tiếc Nhà thơ Lê Văn Ngăn
Lê Kim Ngữ và anh Trần Luyến
Hoàng Công Quốc Phong, Trương Đình Quế
Những người bạn bao năm gắn bó
Lần lượt vội vã bỏ đi xa
Đạo diễn Kiên Định, anh Song mập
Ôi tình bạn ngày xưa thân ái
Bạn bè dần đi về môt cõi
Anh Ngụy Ngữ từng đến nhà chơi
Ngờ đâu chẳng còn gặp nữa
Tin buồn sốc từ thôn Cự Lại
Trần Vĩnh Tựu trong bão Noru
Anh theo gió về chốn thiên thu
Tiễn biệt anh, Huế sầu ảm đạm
Đếm lóng tay còn mấy người bạn
Quen nhau đã gần nửa thế kỷ
Hãy trân quý giữ lấy tình này
Cuộc sống chúng ta còn rấp ngắn
Huế - Sài Gòn không xa mấy dặm
Nhắn Thân Đình Châu, Phạm Tấn Hầu
Mong ngày gặp lại sẽ không lâu
Anh Cao Hữu Điền, mong anh khỏe
Nhớ kỷ niệm thời còn trai trẻ
Ngày xa xưa màu tóc vẫn xanh
Giờ đây mắt mờ làn da xếp
Nuối tiếc thời gian trôi vút nhanh...
Một nén hương cầu mong nhả thơ Vương Kiều đến thế giới cực lạc và được hạnh ngộ với những thân hữu của ông. Và trong những giây phút cuối cùng của kiếp tạm này, bên cạnh ông là người con trai hiếu tử, người vợ đã cũng ông đồng hành - trải qua bao gian nan và gia đình, bạn bè…của ông, ông sẽ ấm lòng và sẽ ngủ yên trong vĩnh hằng!
Lê Hồ Ngạn – Sài Gòn 18/10/2022