Bức tranh có kích thước 30 x 45 cm, vẽ phong cảnh một vùng quê châu Âu, với bãi cỏ mềm mại, phía trước có hồ và núi xa xa. Dự kiến, vào ngày 10/1/2023, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sẽ trưng bày tác phẩm này với chủ đề "Vua Hàm Nghi - Cuộc đời và nghệ thuật", nhân kỷ niệm 80 năm ngày mất của ông (1944-2023).
Cũng theo ông Trung, ngoài bức tranh kể trên, triển lãm còn giới thiệu đến công chúng nhiều hình ảnh khác về cuộc đời của vua Hàm Nghi từ khi lên ngôi, giai đoạn chống Pháp, giai đoạn lưu đày và bản sao 31 tác phẩm tranh, tượng do nhà vua sáng tác ở Algeria.
Bức tranh quý hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và chuẩn bị giới thiệu đến công chúng vào tháng 1/2023.
Vua Hàm Nghi có tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch và là vị hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn. Năm 1884, Hàm Nghi được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi khi mới 13 tuổi.
Năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra khỏi Kinh thành Huế và phát chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp. Phong trào Cần Vương kéo dài đến năm 1888 thì vua Hàm Nghi bị bắt. Sau đó, ông bị Pháp đưa đi lưu đày ở Alger (thủ đô Algeria) và qua đời tại đây vào năm 1944.
Trong thời gian bị lưu đày, vua Hàm Nghi đã học vẽ và điêu khắc. Vị vua đã theo đuổi trường phái chủ nghĩa hiện thực và để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Không đề” (1889), “Algerie” (1900), “Phong cảnh” (1903), “Cây ô liu cổ” (1905), “Chiều tà” (1915)... Trong đó có bức tranh nổi tiếng "Chiều tà" đã được một bác sĩ người Pháp gốc Việt là Gérard Chapuis đấu giá thành công với mức phí hơn 8.800 Euro.
Theo Ngọc Văn - Báo Tiền Phong Online