Huế 24h
Ra mắt Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham
15:58 | 25/04/2023

Chiều 24/4, tại Khách sạn Le Domaine de Cocodo (số 53 Hàm Nghi, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế), Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham chính thức mở cửa đón tiếp và phục vụ công chúng đến tham quan.

Ra mắt Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham
(Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)
Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham nằm trọn trong khuôn viên của khách sạn Le Domaine de Cocodo - 53 Hàm Nghi, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế. Bảo tàng mở cửa với hy vọng sẽ là điểm đến văn hoá độc đáo và hấp dẫn để công chúng trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá lịch sử văn hóa, quá trình giao lưu văn hoá Đông - Tây và tương tác, trải nghiệm các hoạt động liên quan đến văn hóa- nghệ thuật, những hoạt động phát triển thẩm mỹ, hội họa cho học sinh, sinh viên. 
 

Đại biểu cắt băng khai mạc (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)
 
Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham có số lượng hiện vật lớn, có ý nghĩa đặc biệt về lịch sử, văn hóa và mỹ thuật; đa dạng về chất liệu, phong phú về loại hình và nguồn gốc. Hơn 1.000 hiện vật được lưu trữ trong bảo tàng và còn tiếp tục được bổ sung trong thời gian đến - là kết quả của quá trình nghiên cứu, sưu tầm trong gần 30 năm của bà Cecile Le Pham (người Pháp gốc Việt) trên một không gian rộng từ gần 40 quốc gia thuộc 4 châu lục (Á, Âu, Phi, Mỹ).  Bộ sưu tập này là kết tinh của đam mê của bà dành cho di sản văn hóa Việt Nam và khát khao khám phá văn hóa, mỹ thuật thế giới. 
 

Các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)
 
Không gian trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham bao gồm bên trong tòa nhà 2 tầng và bên ngoài sân vườn với diện tích khoảng 400m2. Bảo tàng trưng bày và giới thiệu đến công chúng trong nước và bạn bè quốc tế những bộ sưu tập tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, mỹ thuật của Việt Nam và các nước trên thế giới.
 
Không gian tầng 1 của Bảo tàng trưng bày chủ đề: Nghệ thuật pháp lam và Bộ sưu tập vật dụng trang trí của Việt Nam, Nhật Bản và Pháp. Nội dung trưng bày giới thiệu gần 200 hiện vật thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Pháp được chế tác vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, loại hình chủ yếu là đồ trang trí, đồ thờ, đồ gia dụng bằng các chất liệu đá, đồng, gỗ, giấy, vải, gốm sứ, pháp lam.. với kỹ thuật chế tác thủ công tinh xảo, có nhiều giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật đặc sắc.
 
Không gian tầng 2 trưng bày chủ đề: Nghệ thuật Phật giáo Á Đông -  những tiếp cận đa chiều. Đây là nội trưng bày chính của Bảo tàng; giới thiệu đến công chúng những tư liệu quý về lịch sử, văn hoá, mỹ thuật của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo. Với hơn 100 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Phật giáo và 1 số tư liệu Hán Nôm thời Nguyễn, phác họa bức tranh lịch sử nghệ thuật Phật giáo Việt Nam cùng với các nước Đông Nam Á và cả sự tiếp xúc, giao lưu với các nền văn hoá khác nhau từ Đông sang Tây, cho thấy nhiều phong cách đặc trưng và bản sắc nghệ thuật Phật giáo của nhiều quốc gia châu Á bằng những chất liệu đồng, bạc, ngọc, gỗ, gốm,.. thể hiện sự trường tồn và sức sống mãnh liệt của Phật giáo qua các giai đoạn. Các hiện vật cũng phản ánh vị trí đặc biệt của Phật giáo đối với đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Huế.
 

(Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)
 
“Tôi muốn thành lập bảo tàng của mình tại Huế vì đây là thành phố có chiều sâu của nền văn hóa xưa, chứa đựng nhiều di sản tiêu biểu của triều Nguyễn nhất. Tôi rất hạnh phúc, sung sướng khi mang được nhiều hiện vật quý về Huế, đồng thời thấy mình như được giao cho “duyên phận” có trách nhiệm gìn giữ những hiện vật của người xưa. Mong muốn của tôi là dù không phải đi xa nhưng những người trẻ, học sinh, sinh viên ở Huế được chiêm ngưỡng những hiện vật được sưu tầm từ nhiều nơi trên thế giới, từ đó, nuôi dưỡng niềm đam mê, trân trọng trong các em với di sản văn hóa, nhất là văn hóa Huế”. Bà Cecile Le Pham - chủ nhân của Bảo tàng - chia sẻ.
 
 
 
 
 
 
 
Quỳnh Chi
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng