Sáng 11/6, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập, Tạp chí Sông Hương đã tổ chức Hội thảo Tạp chí văn nghệ 6 tỉnh bắc miền Trung và Tạp chí văn nghệ 5 vùng Kinh đô xưa và nay với chủ đề "Giữ gìn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa trên tạp chí văn nghệ".
Hội thảo giữa các Tạp chí Văn học nghệ thuật của 6 tỉnh bắc miền Trung là hoạt động nghệ thuật thường niên được kết nối từ nhiều năm nay, nhằm trao đổi kinh nghiệm sáng tác, nâng cao chất lượng các tạp chí trong khu vực.
Hội thảo lần này, Ban Tổ chức đã nhận được 9 tham luận, bên cạnh những vấn đề chung trong cách tiếp nhận và gìn giữ, bảo tồn di sản, văn hóa, các tham luận cũng đã nêu bật lên được nhiệm vụ, tâm huyết và phương cách để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa và di sản của vùng đất quê hương.
Nhà thơ Lê Vĩnh Thái - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương - phát biểu đề dẫn hội thảo
Phát biểu đề dẫn hội thảo, nhà thơ Lê Vĩnh Thái, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương, đã nhấn mạnh: "Văn hóa, di sản luôn là nền tảng của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. 80 năm qua bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” cũng đã khẳng định vai trò của văn hóa là ánh sáng dẫn lối trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước. Cùng với những di sản quý giá, văn hóa làm sáng thêm những giá trị của tiền nhân và lịch sử để lại, và chính di sản sẽ là thước đo cho văn hóa của thế hệ sau khi chúng ta giữ gìn, phát huy và ứng xử với di sản như thế nào."
Ông Nguyễn Thành Nhân - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế - trao cờ lưu niệm cho các tạp chí tham dự hội thảo
Bên cạnh đó, hội thảo cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình xoay quanh vấn đề tìm ra một giải pháp hữu ích cho sự phát triển đặc thù văn học nghệ thuật, văn hóa vùng đất chúng ta đang sống, để vừa phát triển và cũng gìn giữ, phát huy những giá trị di sản văn hóa mà cha ông đã để lại.
Trong tham luận “Tạp chí văn nghệ địa phương với vai trò khơi vẫy ký ức văn hóa bản địa”, nhà phê bình Hoàng Thụy Anh từ Tạp chí Nhật Lệ trăn trở về nguy cơ bị đứt gãy và rạn nứt của hệ giá trị văn hóa địa phương trước cơn lốc của cách mạng công nghiệp, của kỹ thuật số, của những luồng văn hóa ngoại lai mà với thế giới phẳng đang tràn vào khắp các vùng đất. Nhà lý luận phê bình Hoàng Thụy Anh khẳng định: “Tạp chí văn nghệ địa phương được xem là nơi lưu giữ và thức dậy kí ức văn hóa bản địa”. Để thấy cơ chế bảo lưu và gìn giữ văn hóa, di sản của tạp chí văn nghệ địa phương là rất quan trọng.
Nhà báo Vương Minh Huệ (Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội) trong tham luận “Tạp chí Người Hà Nội với việc giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa Thủ đô Hà Nội” cũng nêu lên nhiều chuyên mục về văn hóa, di sản Hà Nội như: “Thăng Long - Hà Nội”, “Dấu xưa chuyện cũ”, “Tục hay lệ lạ Thăng Long - Hà Nội, “Ký ức Hà Nội”, và trên Tạp chí điện tử nguoihanoi.com.vn thêm những chuyên mục như “Hà Nội xưa và nay”, “Văn hóa di sản”, “Đời sống văn hóa”… đã “khơi dậy và lan tỏa nét đẹp văn hóa của người Hà Nội trong dòng chảy lịch sử, với truyền thống văn hiến, văn minh thanh lịch”.
Nhà lý luận Nguyễn Thị Nguyệt với tham luận "Giữ gìn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa", đề tài cần ưu tiên "đặt hàng" của tạp chí văn học nghệ thuật địa phương"
Nhà văn Lưu Nga, với tham luận “Tạp chí văn nghệ địa phương - cầu nối giá trị văn hóa lịch sử di sản miền Trung”, khẳng định: “Tạp chí văn học nghệ thuật là kênh thông tin phản ánh đa chiều về các sự kiện, các hoạt động liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc, để từ đó giúp cho các cơ quan chức năng và những người làm công tác quản lý, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử có thêm thông tin hữu ích.”
Nhà nghiên cứu Đỗ Minh Điền ở Huế, qua tham luận “Sông Hương, 40 năm với dòng chảy văn hóa Huế” đã có góc nhìn về chuyên mục “Huế - dòng chảy văn hóa” trên Tạp chí Sông Hương, điểm về những đóng góp của tạp chí đối với mảnh đất Thừa Thiên Huế sau bốn thập kỷ hình thành và phát triển.
Tạp chí văn nghệ địa phương, song hành với việc góp sức phát huy cao nhất tính sáng tạo văn học nghệ thuật bằng những tư liệu, chất liệu về di sản, văn hóa bản địa, là công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Chung quy lại vẫn với mục đích cao cả là gìn giữ và lan tỏa giá trị về văn hóa là nền tảng sức mạnh của dân tộc. Sau đây chúng ta sẽ nghe một số tham luận được trình bày trong hội thảo này để cùng chia sẻ kinh nghiệm và phát huy thế mạnh cho tạp chí của vùng đất mình.
Quỳnh Chi