Huế 24h
Lăng vua Hiệp Hòa được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh
09:19 | 30/11/2016

Sáng ngày 28/11, nhân húy kỵ lần thứ 133 của vua Hiệp Hòa , Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Phòng Văn Lãng Quận Vương tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh đối với lăng vua Hiệp Hòa (đường Tam Thai, TP. Huế)

Lăng vua Hiệp Hòa được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh
Lăng vua Hiệp Hòa (Ảnh: Kienthuc.net)

Theo sử sách ghi chép, vua Hiệp Hòa, tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật, con thứ 29 và là con út của vua Thiệu Trị. Nguyễn Phúc Hồng Dật sinh ngày 24 tháng 9 năm Đinh Mùi (1-1-1847), là em trai vua Tự Đức. Năm 1865, ông được phong Lãng Quận Công và được ban dựng phủ đệ ở Kim Long. Khi vua Dục Đức bị phế bỏ, Nguyễn Phúc Hồng Dật được đưa lên ngai vàng vào ngày 30 tháng 7 năm 1883, lấy niên hiệu là Hiệp Hòa. Sau khi làm vua được 4 tháng, ông bị triều đình phế truất và đến ngày 30/10 năm Quý Mùi (tức ngày 29/11/1883) thì qua đời. Sau khi ông mất, triều trình giao cho Phủ Tôn Nhân chôn cất theo nghi thức Quốc công và vì là vị vua bị phế truất (phế đế) nên vua Hiệp Hòa không được thờ trong Thế Miếu.


Lăng vua Hiệp Hòa trước khi được trùng tu

Lăng mộ vua Hiệp Hòa tọa lạc ở khu vực đồi thông thuộc phường An Tây, thành phố Huế. Khu lăng mộ đã được trùng tu lớn vào năm 2013 do nhóm thân hữu người Huế ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã đứng ra vận động quyên góp thông qua Phòng Văn Lãng Quận Vương. Khu lăng mộ vua Hiệp Hòa gồm các hạng mục chính như: Tẩm lăng, bi đình, sân bi đình, đường trung đạo, trụ biểu, bình phong, hiển long và ẩn long... đảm bảo tiêu chuẩn của một khu lăng mộ của một bậc hoàng đế.
 
 
Cũng trong đợt này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với lăng Trường Diễn của chúa Nguyễn Phúc Nguyên (vị chúa Nguyễn thứ hai), lăng Trường Hưng của chúa Nguyễn Phúc Tần (vị chúa Nguyễn thứ tư) đều tọa lạc tại thôn Hải Cát, xã Hương Thọ (TX.Hương Trà) và lăng Vĩnh Cơ của vợ chúa Nguyễn Hoàng, mẹ chúa Nguyễn Phúc Nguyên, tọa lạc tại xã Hương Thọ (T.X Hương Trà).
 
Theo Khám phá Huế
Các bài mới
Các bài đã đăng